Nhập nhèm về tài chính?
Theo ghi nhận của PV, hiện có nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo của cán bộ, nhân viên, phụ huynh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đối với Hiệu trưởng Nhà trường về những khuất tất liên quan đến vấn đề tài chính, thu - chi để ngoài sổ sách, “một mình một chợ” trong bữa ăn bán trú của học sinh...
Trong đơn tố cáo của một nhân viên công tác lâu năm tại trường này cho thấy, năm học 2017-2018, Nhà trường đứng ra hợp đồng với một số công ty để mua sách giáo khoa cho học sinh với số tiền là 280.207.000 đồng, số tiền hoa hồng trích lại là 10% - tức hơn 28.000.000 đồng, nhưng Hiệu trưởng không hề đưa vào sổ sách Tài vụ, hiện không biết sử dụng vào việc gì? Khi phát sách cho học sinh bị thiếu, Hiệu trưởng lại chỉ đạo lấy tiền ngân sách của trường để mua bù.
Tương tự, Nhà trường tự đứng ra tổ chức cho học sinh học tiếng Anh (chương trình I-LEARN) và Ban Giám hiệu tự thu tiền học phí từ giáo viên chủ nhiệm các lớp, không thu - chi qua bộ phận tài vụ, nhưng cuối năm, lại lấy tiền từ ngân sách của trường để làm phần thưởng phát cho học sinh khá, giỏi từ chương trình “tự phát” này(?)
Bên cạnh đó, khi thực hiện Dự án dạy chương trình thực nghiệm đổi mới giáo dục, Nhà trường được chuyển về 10.800.000 đồng, nhưng Hiệu trưởng lại chỉ đạo dùng tiền ngân sách của trường để photo tài liệu giảng dạy và phí gửi hồ sơ Dự án ra Hà Nội, trong khi số tiền được cấp chỉ chi trả tiết dạy cho giáo viên, số còn lại không biết được chi vào việc gì(?)
Trong một nội dung tố cáo khác cho thấy, tất cả các công ty bảo hiểm đều chi hoa hồng lại cho Nhà trường là 40%, nhưng có khoản công khai, có khoản lại không công khai và không biết Hiệu trưởng, Kế toán sử dụng vào việc gì. Cụ thể, Bảo hiểm Bưu điện chi lại 40% (công khai); Bảo hiểm Bảo Minh chi lại 40%, nhưng chỉ công khai 30%, 10% còn lại (2.365.000 đồng) Hiệu trưởng và Kế toán tự lấy; Bảo hiểm Bảo Việt chi lại 40%, nhưng chỉ công khai 20%, 20% còn lại (18.752.000 đồng) Hiệu trưởng không công khai.
Mỗi ngày ở bán trú, 1 học sinh phải đóng 500 đồng/ngày để trả tiền trông coi buổi trưa (từ 11h-12h30). Như vậy, bình quân mỗi học sinh phải đóng khoảng 11.000đ/tháng, với số lượng hơn 1.000 học sinh, số tiền thu về là hơn 10.000.000 đồng/tháng, nhưng Ban Giám hiệu chỉ thanh toán cho mỗi thầy thể dục trông coi buổi trưa 1.700.000 đồng/tháng, số tiền còn lại không biết chi dùng vào việc gì mà không hề vào sổ sách tài vụ(?)...
Ngoài ra, người tố cáo còn cung cấp cho ngành chức năng và PV nhiều bằng chứng, hoá đơn, chứng từ, thể hiện, tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã và đang có hiện tượng lập khống chứng từ trong việc phun thuốc diệt côn trùng, sửa chữa, bảo trì máy tính...
“Một mình một chợ” bữa ăn bán trú
Theo phản ánh của một nhân viên công tác lâu năm và đã từng chung tay trong việc lo hậu cần của Nhà trường thì từ khi bà Oanh về làm Hiệu trưởng, từ việc lên thực đơn đến khi thanh toán cho nhà cung cấp lương thực, thực phẩm, chỉ có Hiệu trưởng và Kế toán tham gia theo kiểu “một mình một chợ”.
Nhân viên này cho biết, mặc dù đầu năm học, rất nhiều đơn vị có uy tín gửi báo giá cạnh tranh để được cung cấp lương thực, thực phẩm cho trường để phục vụ cho học sinh bán trú và Hiệu trưởng Nhà trường công bố, nơi nào “bỏ thầu” giá rẻ sẽ được chọn. Thế nhưng, trên thực tế, hiện Nhà trường đang chọn mua lương thực, thực phẩm của một đơn vị cung cấp với giá đắt hơn so với những nơi khác.
|
|
Chứng từ thể hiện Nhà trường rút tiền ngân sách để khen thưởng cho học sinh giỏi của chương trình học tiếng anh “tự phát” |
Nhân viên này đơn cử, gạo học sinh ăn, hiện được Hiệu trưởng và Kế toán mua với giá 17.000 - 17.500 đồng/kg nhưng trên thị trường giá chỉ là 12.000 đồng/kg; đầu năm, Nhà trường lấy trứng gà với giá 27.000 đồng/kg, nhưng sau đó lại mua ở chỗ “thân quen” với giá 33.000 đồng/kg(?)... Hàng tháng, học sinh ăn khoảng 1.700kg gạo, 400-500kg thịt... vậy chênh lệch là không nhỏ.
“Các loại sổ nhật ký theo dõi việc nhập - xuất lương thực, thực phẩm hàng ngày không thực hiện theo quy định trong kế hoạch bán trú của năm học 2017- 2018, cụ thể: Không có Ban kiểm tra giám sát, không ghi giá của hàng hoá, sổ không có dấu giáp lai… Kế toán, Thủ kho và Hiệu trưởng lập tới 3 loại sổ, nhưng mỗi loại lại có số lượng và giá cả khác nhau”, nhân viên này cho biết và cung cấp cho PV nhiều bằng chứng cụ thể.
Hiệu trưởng “bất ngờ” khi biết bị tố cáo
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xác nhận đã biết việc mình bị một số đơn thư phản ánh, tố cáo và đang phối hợp với ngành chức năng để làm rõ, nên không thể cung cấp thông tin hay giải thích gì nhiều với báo chí.
“Lâu nay, mọi vấn đề của Nhà trường, chúng tôi đều thông qua ý kiến của hội đồng, của tập thể; các vấn đề liên quan đến học sinh bán trú đều thông qua Thường trực Hội cha mẹ học sinh, khi thống nhất mới thực hiện, nên tôi cảm thấy rất bất ngờ khi có đơn thư tố cáo mình”, bà Oanh cho biết.
|
|
Việc nhập - xuất lương thực, thực phẩm cho bữa ăn bán trú không có sự giám sát số lượng, chất lượng, không những thế còn được lập tới 03 sổ, mỗi sổ mỗi kiểu |
Còn bà Trần Thị Vũ Loan, Chánh Thanh tra TP. Đà Lạt thì cho biết, UBND TP. Đà Lạt đã ban hành quyết định thụ lý đơn tố cáo và giao cho Thanh tra giải quyết. Hiện đang trong quá trình thanh tra nên chưa thể cung cấp thông tin về vụ việc cho báo chí. Khi có kết quả thanh tra sẽ tham mưu để UBND TP. Đà Lạt ban hành thông báo kết luận trả lời người tố cáo và thông tin rộng rãi.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tâm An – Phan Duy Bắc