Theo phản ánh, năm 1995, thực hiện chính sách bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng, gia đình ông Võ Nhân Triều được Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) giao khoán trồng và bảo vệ rừng tại Rú Gây thuộc xã Thiên Lộc với diện tích 187 ha.

Lúc bấy giờ, do ngân sách Nhà nước không có nên Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh không thể làm đường để phục vụ việc chăm sóc và bảo vệ rừng khiến gia đình ông Triều và những hộ nhận khoán khác gặp rất nhiều khó khăn.

Để thuận lợi hơn trong công việc, năm 1996, ông Triều đã vận động một số hộ cùng nhận khoán bỏ công sức, tiền của đầu tư nâng cấp mở rộng đường.

Sau nhiều năm đầu tư, từ một lối mòn nhỏ hẹp đã trở thành một con đường lớn phục vụ cho việc trồng, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, con đường này còn được sử dụng vào mục đích kinh tế, góp phần thu hút các nhà đầu tư và khách thập phương đến với Chùa Hương.

Hiện nay, để phát triển về mặt du lịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương và tiến hành thu hồi diện tích đất rừng nói trên để thực hiện Dự án cải thiện vệ sinh môi trường du lịch Chùa Hương. Bên cạnh đó, khu vực rừng phòng hộ tại Rú Gây cũng được chuyển đổi thành đất du lịch.

Trong quá trình xây dựng phương án bồi thường để giải phóng mặt bằng, Hội đồng bồi thường, GPMB dự án này đã không đưa ông Triều và những hộ nhận khoán vào đối tượng bồi thường đối với chi phí đã đầu tư trên đất.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Triều đã có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét bồi thường nhưng không được giải quyết.

Đến ngày 20/9/2018, Hội đồng bồi thường, GPMB Dự án cải thiện vệ sinh môi trường Chùa Hương đã làm việc với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để giải quyết đơn của ông Triều.

Sau đó, UBND huyện Can Lộc đã có thông báo với nội dung yêu cầu ông Triều và các hộ nhận khoán nộp các hồ sơ liên quan để xem xét bồi thường.

Sau khi nộp hồ sơ liên quan, đến ngày 11/10/2018, ông Triều nhận được công văn (không có số, không có ngày) của Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Can Lộc. Sau khi có kiến nghị của Văn phòng Luật sư (đại diện cho ông Triều) thì Hội đồng bồi thường, GPMB mới gửi lại cho ông Triều Công văn số 1596/HĐGPMB ngày 11/10/2018.

leftcenterrightdel
Công văn không số của Chủ tịch Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án cải thiện vệ sinh môi trường du lịch chùa Hương gửi cho ông Võ Nhân Triều. 

Trong công văn này, Hội đồng bồi thường, GPMB huyện cho rằng chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết và trả lại hồ sơ đã tiếp nhận cho ông Võ Nhân Triều.

Trao đổi với PV báo Bảo vệ pháp luật, ông Võ Nhân Triều cho rằng: “Trong công văn của Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Can Lộc cho rằng hồ sơ chưa đủ cơ sở xem xét, giải quyết nhưng không hướng dẫn cho công dân cung cấp thêm hồ sơ, chứng từ, không yêu cầu công dân giải trình đã trả lại hồ sơ tiếp nhận là không khách quan và không đúng quy trình. Bên cạnh đó, Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Can Lộc cũng không tiến hành tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân để làm rõ nội dung vụ việc; không tiến hành xác minh thực tế,...

Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Quang Hảo - Trưởng Văn phòng luật sư số 1, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho rằng: “Tại khoản 1 Điều 76 của Luật đất đai năm 2013 nêu rõ, việc bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Căn cứ vào điều luật đã viện dẫn trên thì ông Triều và các hộ nhận khoán phải được bồi thường chi phí đầu tư trên đất.

leftcenterrightdel
Ông Võ Nhân Triều cầm trên tay tập hồ sơ bị trả lại. 

Trường hợp Hội đồng đền bù cho rằng hồ sơ, chứng từ chứng minh chi phí đầu tư của ông Triều không có cơ sở giải quyết thì phải đưa ra lý do cụ thể, giải thích rõ ràng cho công dân hoặc Hội đồng bồi thường căn cứ vào khoản 3, Điều 3 của Thông tư 37/2014 để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất” - Luật sư Hảo đưa quan điểm.

Luật sư Nguyễn Quang Hảo cũng cho biết thêm, qua cách thức và nội dung làm việc của Hội đồng bồi thường như phản ánh trên, có thể nhận thấy rằng đã không bảo đảm  nguyên tắc và điều kiện bồi thường về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất, đó là: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc với ông Võ Nhân Triều và PV báo Bảo vệ pháp luật, ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, việc kiến nghị bồi thường của ông Triều và các hồ sơ đã cung cấp chưa đủ cơ sở tính toán bồi thường. Ông Cường đề nghị ông Triều làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh để cung cấp hồ sơ đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Vân - Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh lại có ý kiến: “Hộ ông Võ Nhân Triều là một trong số hộ tham gia dự án 327, 661 trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, tuyến đường xe điện trước đây là tuyến đường môn hộ đã tự bỏ kinh phí để làm. Đề nghị UBND huyện, Hội đồng bồi thường xem xét việc hỗ trợ kinh phí làm đường theo đúng quy định, việc cây cối trên đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý”.

Vậy, việc Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Can Lộc trả lại hồ sơ xét duyệt bồi thường của ông Võ Nhân Triều như nêu trên có đúng quy định của pháp luật? Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh khiếu kiện kéo dài.

Nguyễn Lý - Công Thiện