Làng chài Khánh Nhơn nằm dọc theo bờ biển, ôm lấy một vũng hình cánh cung. Từ nhiều năm nay, biển bỗng dung nổi sóng dữ khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân nơi đây không còn được bình yên như trước.

Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh có mảnh vườn khá rộng sát biển phía sau nhà, mảnh vườn đó gia đình bà làm nơi chứa ngư lưới cụ và chăn nuôi. Nhưng mấy năm qua, sau những đợt sóng dữ điên cuồng, đất cứ “tụt” dần xuống biển. Mảnh vườn lúc đầu có diện tích vài trăm mét vuông, nay chỉ còn vẻn vẹn vài chục mét vuông. Trong vườn chỉ còn lại duy nhất một cây bàng nhưng bị sóng gió đánh xác xơ, khô như cây củi… Đất sụp lở, ngôi nhà cấp 4 có lẽ cũng đã rạn chân móng khiến những bức tường không trát đầy những vết nứt dọc ngang. Bà Oanh trân trân nhìn ra biển rồi nói: Năm nào gia đình tôi cũng phải bỏ ra bốn, năm triệu đồng mua đá, xi măng đổ xuống, gia cố bờ kè. Bà Oanh còn chỉ chiếc cọc gỗ trơ trọi ngoài biển, lo âu: “Trước đất ra tận ngoài xa kia. Chỉ sợ năm nay biển động mạnh không biết nhà của gia đình tôi có trụ nổi không...?”.

leftcenterrightdel
Làng chài Khánh Nhơn 1 thường xuyên bị sóng dữ đe dọa. 

Kề bên nhà bà Oanh là nhà ông Đỗ Văn Cẩm. Trong đợt triều cường mùa mưa năm trước, phần phía sau nhà ông Cẩm đã bị sóng đánh sập. Ông dùng bạt bít lại để che mưa, che gió. Mỗi năm gia đình ông đều phải bỏ ra khoảng năm đến bảy triệu đồng để mua đá chẻ đổ xuống chân móng nhà ngăn sóng. “Không đổ đá thì nhà sập hết từ lâu rồi. Vào mùa Bắc, từ Tháng 9, Tháng 10 Âm lịch, sóng ầm ầm, nước, bọt bắn tung tóe, lo ghê lắm, không ngủ được. Chỉ mong chính quyền quan tâm, sớm xây dựng bờ kè” -  ông Cẩm chia sẻ.

Không chỉ nhà bà Oanh, ông Cẩm mất đất, mất nhà, bị sóng dữ đe dọa. Làng chài Khánh Nhơn 1, phía giáp biển còn lởm chởm, lô nhô vì có những ngôi nhà đã bị sập, bị sói lộ móng, hay còn bị siêu vẹo, nứt toác. Dưới mép sóng, ngổn ngang những đá chẻ, đá hộc, đá phiến và bê tông,…

Ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết, khu dân cư Khánh Nhơn được hình thành năm 1996. Vài năm nay, sóng đánh rất mạnh. Trên 2 km bờ biển đã bị sóng xâm thực. Mỗi năm đất đều bị sạt lở. Biển đã ăn sâu vào khu dân cư khoảng 30m. Thôn Khánh Nhơn 1 có 60 hộ dân bị ảnh hưởng, chưa kể hàng chục cơ sở nuôi tôm giống khác, sóng cũng đã đánh vào chân móng. Hàng năm, xã đều hỗ trợ người dân để gia cố bờ kè chắn sóng. Nhưng ngân sách hạn hẹp, số tiền ít ỏi chỉ có thể dùng mua vỏ bao với số lượng khoảng 1.000 cái. Nhưng, nắng, gió và nước biển mặn khiến vỏ bao nhanh mục, chỉ chịu được một mùa là vỡ toác. Người dân tự đổ đá để ngăn cát lở. Tạm thời, bờ kè cầm cự được sóng nhỏ. Vào mùa mưa bão, vùng này được đưa vào diện xung yếu, cần sơ tán dân…

Nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đều kiến nghị làm kè. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần báo cáo cấp trên. “Lãnh đạo tỉnh đã có chương trình làm việc với địa phương, khảo sát thực địa. Xã sẽ kiến nghị với UBND tỉnh một lần nữa theo nguyện vọng của cử tri. Nhưng phương án cụ thể thế nào, có xây bờ kè không và bao giờ xây thì còn tùy thuộc vào nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là nguồn ngân sách của tỉnh” - ông Linh nói.

Nguyễn Huân