Đồng thời, Lê Nguyễn Hưng gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên: Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt. Họ đã thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không đúng quy định của Eximbank về trình tự thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và cho khách hàng rút tiền mặt dẫn đến việc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tài sản của Eximbank TP. HCM. Bằng thủ đoạn này, Lê Nguyễn Hưng đã rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình mà Eximbank TP. HCM đang trực tiếp quản lý rồi bỏ trốn.

Hao tổn nhiều thời gian và công sức trong quá trình thỏa thuận và giải quyết vụ án

Theo Luật sư Phan Trung Hoài, trong quá trình điều tra vụ án cho đến khi xét xử sơ thẩm, bà Chu Thị Bình chịu rất nhiều áp lực, thậm chí một số ý kiến hiểu sai lệch, cho rằng bà Bình có liên quan đến trách nhiệm trong việc trước một số giấy tờ, chứng từ. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ sự thật khách quan, khẳng định các giấy ủy quyền có chữ ký của bà Chu Thị Bình đã bị làm giả mạo không phải là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc Lê Nguyễn Hưng lợi dụng chiếm đoạt tài sản của Eximbank.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP. HCM tại phiên toà sơ thẩm ngày 22/11 /2018.

Bản thân Eximbank cũng đã thành lập Tổ công tác, cùng bà Chu Thị Bình và các luật sư tư vấn tiến hành kiểm tra, rà soát, đối chiếu toàn bộ các chứng từ và dòng tiền, phù hợp với kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao. Eximbank cũng đã thấy được trách nhiệm của mình, tiến hành thỏa thuận để từng bước giải quyết yêu cầu của bà Chu Thị Bình một cách thấu tình, đạt lý, đã tạm ứng 100% số tiền gốc gửi tiết kiệm tạm tính qua 2 đợt.

Đã thiện chí nhưng không được đáp lại

Về phần mình, bà Chu Thị Bình đã thể hiện thiện chí và bày tỏ nguyện vọng sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ tài chính của Ngân hàng này; đồng thời toàn bộ số tiền đã nhận tạm ứng, bà Chu Thị Bình tiếp tục gửi lại tại Eximbank TP.HCM, góp phần khôi phục lại lòng tin của khách hàng khi gửi tiết kiệm tại Eximbank. Trước khi phiên tòa được mở, trong Thông cáo báo chí do Eximbank phát hành, Eximbank cam kết tôn trọng phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, phù hợp với cam kết ghi nhận trong các thỏa thuận với bà Chu Thị Bình. Trước khi TAND TP.HCM ban hành phán quyết, chính Eximbank TP. HCM đã ký văn bản chốt lại số tiền gốc 245 tỷ đồng và lãi phát sinh gửi Hội đồng xét xử, làm cơ sở cho việc TAND TP.HCM ban hành phán quyết sơ thẩm.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, sau khi nhận được phán quyết sơ thẩm, Eximbank TP. HCM đã làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại về phần trách nhiệm dân sự của Eximbank đối với bà Chu Thị Bình. Điều này không chỉ đi ngược với cam kết của Eximbank đối với bà Chu Thị Bình nêu trong các thỏa thuận và thông cáo báo chí của đại diện Eximbank, mà còn gây đổ vỡ lòng tin rất lớn của bà Chu Thị Bình.

Bởi vậy, cùng với việc kháng cáo yêu cầu buộc Eximbank phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền gốc và lãi phát sinh theo quy định của chính Eximbank, bà Chu Thị Bình còn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét trách nhiệm của Ban điều hành Eximbank và Eximbank TP. HCM trong quá trình quản lý đã thiếu trách nhiệm để người có chức vụ, quyền hạn là Lê Nguyễn Hưng thực hiện hành vi phạm tội.

 

Phi Sơn