Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị. 

Cùng dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực, Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp huyện…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, công tác kiểm sát THADS, THAHC là một trong những công tác quan trọng của VKSND nhằm đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực này đúng pháp luật, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo. 

Cùng với những kết quả tích cực đạt được, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cũng đề cập đến một số tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát THADS, THAHC thời gian qua.

Để công tác này thời gian tới được tốt hơn, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, trước hết Viện kiểm sát các cấp cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung tại các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, các quy trình, hướng dẫn của VKSND tối cao trong công tác kiểm sát THADS, THAHC.

Quá trình thực hiện, cùng với việc nhân rộng các cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong toàn Ngành thì cần tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ để công chức, Kiểm sát viên nâng cao năng lực nghiệp vụ, áp dụng quy định pháp luật được thống nhất.

Viện trưởng VKSND tối cao lưu ý, trong quá trình chỉ đạo nghiệp vụ cũng như trong quá trình kiểm sát THADS, THAHC, các Viện kiểm sát cần thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành; lựa chọn một số vụ để làm điểm; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, Ban Nội chính, Ban Pháp chế HĐND và Ban Chỉ đạo THADS nhằm giải quyết việc THADS, THAHC có khó khăn, vướng mắc, đảm bảo ổn định an ninh, trật tự tại địa phương.

Để làm được điều đó, Viện trưởng Lê Minh Trí lưu ý, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp phải đề cao trách nhiệm, gương mẫu; đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này phải có kiến thức, trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm thì mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS, THAHC của VKSND.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11), VKSND tối cao đã quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao và giới thiệu nội dung Hướng dẫn một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; giới thiệu Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC.

Theo VKSND tối cao, Kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một nội dung của công tác kiểm sát THADS và là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm, giao cho ngành KSND trách nhiệm theo dõi, báo cáo. Lãnh đạo VKSND tối cao đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nhiệm vụ này vào chỉ thị công tác và kế hoạch công tác của Ngành. Hoạt động kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước.

VKSND tối cao cho rằng, khi kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Kiểm sát viên cần có các kỹ năng như: Kỹ năng kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS; kỹ năng kiểm sát việc thỏa thuận về thi hành án; kỹ năng kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án; kỹ năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; kỹ năng kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án.

Hội nghị cũng nghe đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Viện kiểm sát trong công tác THADS, THAHC để công tác này đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua. Đồng thời mong rằng, sự phối hợp giữa VKSND tối cao với Bộ Tư pháp, giữa các đơn vị nghiệp vụ hai cơ quan tiếp tục được tăng cường, chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe tham luận của Viện kiểm sát một số địa phương đề cập đến những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, cách làm hay đồng thời nghe lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác kiểm sát THADS, HC trong ngành KSND.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đại biểu và đơn vị chủ trì (Vụ 11, Vụ 14) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị đạt yêu cầu, mục đích đề ra.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng nêu rõ, công tác kiểm sát THADS, THAHC thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lĩnh vực kiểm sát THADS, THAHC là lĩnh vực phức tạp, liên quan trực tiếp đến tài sản và quyền về tài sản nên dễ phát sinh tâm lý tiêu cực của người phải thi hành án; đặc biệt rất khó khăn khi thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế… Vì vậy, Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu kết luận Hội nghị. 

Về các yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, Viện kiểm sát các cấp cần xác định tất cả các khâu công tác đều có tầm quan trọng nhất định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, do đó cần quan tâm chỉ đạo sâu sát đối với khâu công tác THADS, THAHC. Trên cơ sở biên chế được giao và nhu cầu công việc, các Viện kiểm sát địa phương bố trí hợp lý công chức, Kiểm sát viên cho khâu công tác kiểm sát này.

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát các cấp quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04-CT/TW ngày ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường kiểm sát THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” và các văn bản khác có liên quan nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước.

Viện kiểm sát các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS, chú trọng thực hiện trực tiếp kiểm sát đột xuất theo vụ việc về THADS; kiểm sát chặt chẽ việc phân loại án có điều kiện thi hành và án chưa có điều kiện thi hành, tăng cường việc trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án; kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án... kịp thời phát hiện vi phạm để ban hành các kháng nghị, kiến nghị đạt chất lượng, hiệu quả nhằm kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra và giảm thiểu tình trạng khiếu kiện về THADS, HC.

Cùng với đó, VKSND các địa phương cần tích cực, chủ động và chú trọng hơn nữa trong thực hiện kiểm sát THAHC. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp và công chức, Kiểm sát viên cần chủ động “tự đào tạo” để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; VKSND cấp trên tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm và kiểm tra nghiệp vụ đối với công tác này./.

Đắc Thái