Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Kiểm sát, 50 năm qua công tác giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (Trường ĐHKS Hà Nội) đã có những bước phát triển đáng tự hào trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát và cho xã hội. Đáng chú ý, từ 2019 đến nay, Nhà trường cũng đã tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng thứ hai Đại học ngành Luật hệ chính quy và đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã phỏng vấn PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKS Hà Nội về công tác này.
Phóng viên: Với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, 7 năm kể từ khi Trường ĐHKS Hà Nội được thành lập, Nhà trường đã đạt được những thành tích nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát nhân dân và cho xã hội. Xin chị đánh giá khái quát về những kết quả, thành tích mà Nhà trường đã đạt được trong những năm qua?
PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân:
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Kiểm sát, 50 năm qua công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường đã có những bước phát triển đáng tự hào trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát và cho xã hội; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát. Trải qua 4 thời kỳ xây dựng và phát triển, phấn đấu liên tục, bền bỉ, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên của Nhà trường, đến nay đã rất nhiều thế hệ học viên, sinh viên của Nhà trường đã và đang công tác tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân.
Kết quả và thành tích đạt được của Nhà trường trong những năm qua được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, về hoạt động đào tạo được thể hiện đã đào tạo trung cấp 9 khóa với 1.423 sinh viên; đào tạo cao đẳng 17 khóa chính quy với 2.762 sinh viên; 19 khóa hệ tại chức với 2.511 sinh viên; 15 khóa hệ chuyên tu với 981 sinh viên và 10 khóa hệ cử tuyển với 357 sinh viên.
Đào tạo đại học 7 khóa với 2.256 sinh, trong đó 3 khóa tốt nghiệp và có 388 sinh viên công tác tại VKSND các cấp, số còn lại đang công tác tại TAND, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; công ty Luật...
Đào tạo văn bằng hai: 2 khóa với số lượng 150 học viên; đào tạo thạc sĩ 2 khóa với số lượng 95 học viên; các khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát: 3 chương trình/57 khóa với 3.679 học viên (nguồn nhân lực, hoàn chỉnh kiến thức nghiệp vụ kiểm sát, đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ mới tuyển dụng vào ngành KSND); đào tạo điều tra viên: 4 khóa với 139 học viên.
|
|
PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKS Hà Nội. |
Kết quả hoạt động bồi dưỡng: Bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị: 5 khóa với 462 học viên; bồi dưỡng kiến thức quản lý, chỉ đạo, điều hành: 2 chương trình với 18 khóa học và 1.099 học viên; bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức: 5 chương trình/10 khóa học và 1.027 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu: 32 chương trình với 120 khóa và 10.555 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ khác hỗ trợ phục vụ ngành KSND: 7 chương trình/24 khóa với 2.212 học viên; đồng thời, phối hợp với Viện kiểm sát các cấp thực hiện việc bồi dưỡng tại địa phương, đơn vị tổng số 50 lớp với 4079 học viên.
Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học thể hiện, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã tham gia và thực hiện 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước; 11 đề tài cấp Bộ; 458 đề tài khoa học cấp cơ sở. Đã xuất bản 71 cuốn giáo trình các môn học, đặc biệt chú trọng giáo trình đào tạo kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát; tổ chức biên soạn 70 chương trình tài liệu bồi dưỡng để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng. Ra đời được Tạp chí Khoa học kiểm sát và đã phát hành được 33 số thường kỳ và số chuyên đề.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường luôn luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Ngành và bám sát chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Nhiều công trình khoa học của Trường được ứng dụng trong thực tiễn và được đánh giá cao.
Cùng với đó, hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường trong 50 năm qua không ngừng phát triển, hình thức hợp tác quốc tế ngày càng được đa dạng hoá. Trường đã giúp nước bạn Campuchia xây dựng nền tảng lý luận về hành chính - pháp lý, đóng góp quan trọng vào việc hình thành và phát triển hệ thống tư pháp của Campuchia hiện nay.
Trường đã giúp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát, trang bị nền tảng lý luận về pháp lý và công tác kiểm sát; ký biên bản hợp tác toàn diện với Học viện kiểm sát viên Quốc gia Trung Quốc về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào: 7 khóa với 102 học viên.
Phối hợp với Đại học Murdoch mở lớp bồi dưỡng tội phạm học, pháp y và an ninh mạng: 1 khóa với 30 học viên; thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa VKSND tối cao Việt Nam và VKSND tối cao Hungary trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát, từ năm 2016 đến nay, Trường đã đề nghị VKSND tối cao quyết định cử 16 sinh viên đi du học tại Hungary.
Phối hợp tổ chức tập huấn cho Công tố viên Mô Dăm Bích và Kiểm sát viên Việt Nam; phối hợp với các tổ chức, Đại sứ quán nước ngoài tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác: Văn phòng Liên hợp quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC); Đại sứ quán Hoa Kỳ; Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WCS); Dự án bảo tồn các loài động vật quý hiếm (Saving Species); các đối tác của các nước Pháp, Nhật Bản (JICA), Đức, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Sỹ, Liên minh Châu Âu, hay Chương trình đối tác tư pháp của Liên minh châu Âu (JPP), dự án AAPTIP, Dự án GIG…
Kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng cho thấy, đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà trường gồm: Hội đồng trường, Hội đồng khoa học và đào tạo, Ban giám hiệu; 7 khoa, 5 phòng, 2 trung tâm với tổng số là 146 người (công chức, viên chức là 135 người, Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 11 người). Trình độ chuyên môn và học hàm, học vị của cán bộ, giảng viên: 1 Phó Giáo sư, 18 Tiến sĩ, 100 Thạc sĩ (29 người đang làm nghiên cứu sinh), 33 cử nhân, 12 trình độ khác. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường có 78 người, trong đó trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ chiếm 97,5% (76 người). Đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy trên 95% các học phần trong chương trình đào tạo đại học... Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, Trường chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng
Ngoài ra, cơ sở vật chất của Trường đã được xây dựng về cơ bản đồng bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Khu ký túc xá chứa được hơn 1200 chỗ ở; Hội trường giảng đường, phòng Hội thảo được đầu tư đầy đủ trang thiết bị máy chiếu 1 máy chiếu/1 phòng, điều hòa 1,7 điều hòa/1 phòng; phòng làm việc được đầu tư 1 máy điều hòa/1 phòng, máy vi tính: 0,7 máy/người; thư viện đầu tư với 4.266 đầu sách, báo, tạp chí, cùng hàng vạn cơ sở dữ liệu điện tử toàn văn. Trường đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.
|
|
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho Trường ĐHKS Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Nhà trường (PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân đứng thứ 2 từ trái sang). |
Với những kết quả đó, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Cụ thể, Trường 4 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động (trong đó là 1 lần hạng nhất - 2010, hai lần hạng Nhì - 1989 và 2020 và 1 lần hạng Ba - năm 1984); Cờ thi đua Chính phủ: hai lần vào các năm 2013 và 2015; Cờ thi đua của Ngành KSND: 8 lần năm 2007, 2009, 2010, 2011, 2012, 2015, 2016, 2019; các danh hiệu và bằng khen khác của Viện trưởng VKSND tối cao.
Từ những thành tựu nêu trên, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngày càng cao và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới, Trường ĐHKS Hà Nội trong thời gian tới tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đạt được, tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm, như: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Kiểm sát, gắn lý luận với thực tiễn, không ngừng tăng cường tính thực tiễn trong nội dung đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học, có chính sách thu hút nhân tài để đào tạo được nguồn cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp và tư tưởng chính trị vững vàng cho ngành Kiểm sát nhân dân.
Phóng viên: Cùng với việc đào tạo trình độ đại học cho sinh viên kiểm sát hệ chính quy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, được biết từ năm 2019 Nhà trường cũng đã tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng thứ hai Đại học ngành Luật hệ chính quy chị có thể cho biết cụ thể về mục tiêu đào tạo, điều kiện dự thi; môn thi, chỉ tiêu, thời gian đào tạo và thời gian học tập đối với hệ văn bằng 2 này?
PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân:
Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và nâng cáo tính thích ứng của nguồn nhân lực, vào năm 2018, sau khi có 2 khóa đại học hệ chính quy ngành Luật ra trường, Trường đã tiến hành các thủ tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Nhà trường đào văn bằng thứ hai đại học. Đến ngày 14/11/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5167/BGDĐT-GDĐH chấp thuận cho Trường ĐHKS Hà Nội đào tạo để cấp bằng đại học thứ hai ngành Luật. Sau khi được cho phép đào tạo, đến nay Nhà trưởng đã ra Thông báo tuyển sinh và xét tuyển hệ văn bằng thứ hai đại học ngành Luật
Mục tiêu: Đào tạo văn bằng thứ hai bậc đại học nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và nâng cao tính thích ứng của nguồn nhân lực trước đòi hỏi ngày càng tăng của xã hội.
|
|
PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên thủ khoa Dương Văn Hùng. (Ảnh: H.Nguyên) |
Điều kiện dự thi: Công dân Việt Nam có đủ sức khoẻ để học tập theo qui định tại Thông tư liên Bộ Y tế - Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) số 10/TTLB ngày 18/8/1989 và công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20/8/1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không trong thời gian can án hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã có bằng tốt nghiệp đại học trong nước. Trường hợp thí sinh có bằng đại học do các trường đại học nước ngoài cấp thì văn bằng phải được công nhận theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo và sức khỏe tốt để học tập theo quy định.
Môn thi: Triết học và Tư tưởng Hồ Chí minh; thời gian đào tạo: 2,5 năm tương đương với 5 kỳ học chính; chỉ tiêu tuyển sinh: 100/năm; phương thức tuyển sinh: Xét tuyển.
Phóng viên: Được biết, năm 2019, Nhà trường đã tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng thứ hai Đại học ngành Luật hệ chính quy (khóa 1) và đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Hiện Nhà trường tiếp tục tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 (khóa 2). Theo chị việc tuyển sinh, đào tạo khóa 2 có điểm gì mới so với khóa 1? Mức học phí của Nhà trường so với mặt bằng chung của các trường Đại học?
PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân:
Sau khi tuyển sinh năm 2019 kết thúc, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Do đó, để thực hiện đúng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Nhà nước, Trường ĐHKS Hà Nội đã ra thông báo tuyển sinh hệ văn bằng thứ hai đại học ngành Luật năm 2020 theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc đại học. Đây chính là điểm mới trong tuyển sinh so với đợt tuyển sinh khóa 1.
|
|
Trường ĐHKS Hà Nội và các đơn vị trong Khối thi đua số 4 ký kết Giao ước thi đua. |
Về mức học phí hệ văn bằng thứ hai đại học ngành Luật: Hiện nay Trường ĐHKS Hà Nội quy định mức học phí hệ này bằng mức học phí của các khóa đại học hệ chính quy, tức là thực hiện đúng mức học phí được quy định theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015 - 2016 đến năm 2020 - 2021, cụ thể: Đối với sinh viên hệ văn bằng 2 khóa 1, mức học phí là: 276.000đ/tính chỉ; mức học phí đối với sinh viên hệ văn bằng 2 khóa 2 là: 271.000đ/tín chỉ (thấp hơn so với sinh viên hệ văn bằng 2 khóa 1 là do Khung chương trình đào tạo thay đổi).
Với mức học phí nêu trên, tôi thấy đây là mức học phí có phần thấp hơn so mặt bằng chung của các trường Đại học đối với hệ văn bằng 2.
Phóng viên: Một trong những nội dung mà người dự thi quan tâm là nếu học viên được cấp văn bằng 2 Đại học ngành Luật hệ chính quy của Nhà trường thì cán bộ, công chức trong Ngành có phải học Lớp Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát nữa hay không? Giá trị và lợi ích của văn bằng 2 mà Nhà trường đào tạo đối với người học? Phương phướng, mục tiêu đào tạo hệ văn bằng 2 này của Nhà trường trong thời gian tới? Xin chị cho biết rõ hơn về nội dung này?
PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân:
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Chương trình đào tạo văn bằng thứ hai đại học ngành Luật của Trường là chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ngành Luật, có tích hợp các môn học của chuyên ngành kiểm sát; nên đối với cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát không phải đi học lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát do những cử nhân văn bằng thứ hai đại học ngành Luật của Trường đã tích khối kiến thức chuyên ngành Kiểm sát tương đương với khối lượng kiến thức trong chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát hiện hành của ngành Kiểm sát.
|
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho đại diện 110 nữ cán bộ, công chức ngành KSND (PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân đứng thứ hai từ phải sang). |
Văn bằng thứ hai đại học ngành Luật hệ chính quy có giá trị tương đương văn bằng thứ nhất vì phương thức tổ chức đào tạo; khối lượng kiến thức sinh viên phải tích lũy để được xét tốt nghiệp và cấp bằng thực hiện theo quy định của chương trình đào tạo đại học ngành Luật của Trường mà sinh viên chưa được học ở chương trình đại học thứ nhất. Sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo văn bằng thứ hai đại học ngành Luật của Trường thì người học đủ điều kiện để học tập, bồi dưỡng theo quy định để được cấp chứng chỉ thực hành nghề luật; làm công tác tư vấn pháp luật hoặc làm việc tại các bộ phận pháp chế của cơ quan, tổ chức.
Phương hướng, mục tiêu đào tạo văn bằng 2 của Trường trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng các khóa đào tạo theo hướng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo; triển khai thêm hình thức đào tạo trực tuyến (đào tạo từ xa) theo quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu của người học nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân về cuộc trò chuyện này!