Ngày 25/4/1970, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 900/NQ-UBTVQH phê chuẩn Quyết định số 62/QĐ-TC ngày 21/4/1970 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao, trong đó có Trường Bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát, đánh dấu sự ra đời của cơ sở đào tạo đầu tiên trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn lịch sử, Trường luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân và nhiệm vụ cách mạng của đất nước.
|
|
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng khóa 7 Đại học Kiểm sát Hà Nội, hệ chính quy ngành Luật. Ảnh: PV |
Quá trình 50 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường có thể chia thành 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát (1970 – 1981): Trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo những khóa Trung cấp Kiểm sát đầu tiên, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ từng bước chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn này. Đây cũng là chương trình đào tạo pháp lý trình độ cao nhất ở nước ta lúc bấy giờ. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về cán bộ cho các tỉnh phía Nam, Trường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc, góp phần kịp thời xây dựng, củng cố bộ máy ngành Kiểm sát, ngành Tòa án trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm. Trường đã đào tạo 1.462 sinh viên (trong đó, đào tạo hệ trung cấp 07 khóa với 1.210 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy; đào tạo hệ cao đẳng 3 khóa với 252 sinh viên tốt nghiệp hệ chuyên tu, tại chức).
Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, công tác biên soạn, xây dựng giáo trình bước đầu đáp ứng được yêu cầu về mặt lý luận và thực tiễn công tác đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo tổ chức xây dựng được 8 giáo trình. Năm 1976, Ban Bí thư lựa chọn một số đồng chí Lãnh đạo, giảng viên của Trường tham gia biên soạn giáo trình và giảng dạy cho Khoa pháp lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, khóa 1 khai giảng năm 1976). Sự kiện này đã chứng tỏ uy tín của đội ngũ giảng viên Nhà trường lúc bấy giờ và là điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác của Nhà trường với các cơ sở đào tạo pháp lý khác trên cả nước.
- Giai đoạn Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội (1981 – 2005): Đây là giai đoạn Trường chuyển tiếp hình thức đào tạo hệ trung cấp lên trình độ đào tạo hệ cao đẳng, đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ theo quy định mới của Luật Tổ chức VKSND năm 1981 và Quy chế ngạch Kiểm sát viên năm 1982. Trong những năm thập niên 90 của thế kỷ XX, ngoài việc đào tạo hệ cao đẳng chính quy, Trường đã thực hiện việc đào tạo nguồn cán bộ hệ cử tuyển KV0, hệ mở rộng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cho các tỉnh miền núi, vùng đồng bào thiểu số để tăng cường đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngoài ra, Trường tập trung nghiên cứu lý luận nghiệp vụ kiểm sát (khóa 1982 - 1985), góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đồng thời để Lãnh đạo Ngành định hướng nền tảng cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong toàn ngành Kiểm sát sau này.
Trong giai đoạn này, Trường đã đào tạo 6.345 sinh viên, trong đó, đào tạo hệ trung cấp 2 khóa với 213 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy và tại chức; đào tạo hệ cao đẳng chính quy 17 khóa với 2.762 sinh viên, đào tạo hệ cao đẳng tại chức 18 khóa với 2.360 sinh viên, đào tạo hệ cao đẳng chuyên tu 13 khóa với 880 sinh viên, đào tạo hệ cao đẳng chính quy hệ cử tuyển 10 khóa với 357 sinh viên; 1 khóa đào tạo nghiên cứu lý luận kiểm sát với 73 học viên tốt nghiệp. Để phục vụ cho công tác đào tạo, Nhà trường đã tập trung biên soạn nhiều giáo trình có chất lượng, phục vụ công tác đào tạo hệ Cao đẳng luật. Đặc biệt, bộ giáo trình nghiệp vụ kiểm sát 6 tập được sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa thành giáo trình Công tác kiểm sát 8 tập. Hoạt động này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tính chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Ngành, là cẩm nang (sổ tay) cho mỗi Kiểm sát viên, mà còn đặt nền móng nghiên cứu lý luận về chức năng “Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động việc tuân theo pháp luật” cho đến ngày nay.
|
|
Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: PV |
- Giai đoạn Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát (2005 - 2013): Thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Trường đã thực hiện từng bước tiêu chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới và chuẩn bị những bước cần thiết để xây dựng Trường Đại học của ngành Kiểm sát. Trường đã tạm dừng việc tuyển sinh đào tạo và tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trường phối hợp với các cơ sở đào tạo khác tổ chức đào tạo chuẩn hóa cán bộ trong Ngành đã học hệ cao đẳng kiểm sát để cấp bằng hệ cử nhân; đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong Ngành có bằng cử nhân luật và chú trọng triển khai toàn diện công tác bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ trong Ngành.
- Giai đoạn Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2013 - nay): Trước yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi ngành Kiểm sát phải nhanh chóng có sự đổi mới toàn diện cả quy mô và chất lượng hoạt động của cơ sở đào tạo của ngành để mở rộng nhiều chương trình, cấp độ đào tạo theo hướng đa ngành. Đặc biệt, phải chủ động đào tạo trình độ đại học, sau đại học mang tính chuyên ngành để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát. Ngày 27/12/2012, Bộ Chính trị đã có kết luận tại Thông báo số 116-TB/TW về việc đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, theo đó, cho phép tiếp tục đào tạo nghề Kiểm sát viên và đào tạo bậc đại học chuyên ngành để có thêm nguồn tuyển dụng phù hợp với chuyên môn của ngành Kiểm sát. Đây là một chủ trương có tính chất bước ngoặt trong công tác đào tạo nói chung và Trường nói riêng, tạo ra nguồn lực lao động chất lượng cao cho ngành Kiểm sát nhân dân. Ngay sau đó, ngày 24/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, vừa đào tạo Đại học kiểm sát chuyên ngành luật, vừa tiếp tục thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo hệ đại học từ thời điểm đó.
Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo 2.336 sinh viên, trong đó có 3 khóa đã tốt nghiệp với 885 sinh viên; 4 khóa đang đào tạo với 1.371 sinh viên; 1 khóa văn bằng thứ 2 đang đào tạo với 80 sinh viên. Qua khảo sát người sử dụng lao động, sinh viên khóa 1, 2 của Trường đáp ứng được yêu cầu và bắt nhịp nhanh hơn, hiệu quả hơn với công việc tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp so với sinh viên được đào tạo ở cơ sở khác. Ngày 28/01/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 226/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đào tạo hệ thạc sĩ chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự. Hiện nay, Trường đã tuyển sinh được 1 khóa đào tạo thạc sĩ với 41 học viên.
Trường đã tổ chức biên soạn 38 giáo trình đại học (trong 54 môn học phần kiến thức ngành và chuyên ngành bao gồm cả bắt buộc và tự chọn), trong đó, đã xuất bản được 30 giáo trình, chuẩn bị xuất bản mới 3 giáo trình và 5 giáo trình đang được biên soạn. Đối với các môn học chưa biên soạn được giáo trình, Trường đã tổ chức khảo sát, lựa chọn giáo trình của các cơ sở đào tạo luật có chất lượng để tổ chức giảng dạy. Về cơ bản, công tác giáo trình đào tạo đại học ngành Luật đã hoàn chỉnh ở những môn học bản lề, bắt buộc.
|
|
Tiến sĩ Lại Viết Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trao quyết định và tặng hoa chúc mừng 11 đồng chí được bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng (năm 2019). Ảnh: PV |
Trải qua 50 năm, đặc biệt là từ những năm 1990 trở lại đây, Trường Kiểm sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và của Ngành; trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã tập trung vào đào tạo kỹ năng nghề như: Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; nghiệp vụ điều tra; kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc; kỹ năng tranh tụng; kỹ năng kiểm sát khám nghiệm hiện trường; kỹ năng viết luận tội; kỹ năng lấy lời khai, hỏi cung; kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ; công tác chỉ đạo điều hành, lý luận…, đáp ứng được nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng của Ngành trong tình hình mới.
Cùng với đó, Nhà trường luôn chủ động, tích cực phối hợp với VKSND các cấp thực hiện việc đào tạo tại chỗ và theo nhu cầu thực hiện nhiệm vụ, vị trí việc làm của mỗi địa phương, đơn vị. Hoạt động này vừa đáp ứng được yêu cầu của nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề đối với Kiểm sát viên và công chức làm nghiệp vụ.
Cùng với việc triển khai giảng dạy và xây dựng giáo trình, công tác nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng. Có thể thấy, Trường là cơ sở đầu Ngành nghiên cứu lý luận nghiệp vụ kiểm sát; phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng đội ngũ cán bộ, chức danh tư pháp của Ngành. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Trường đã được VKSND tối cao triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tiễn. Việc nghiên cứu được thông qua các hình thức như: Đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình hội thảo, biên soạn giáo trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng, các bài viết đăng tạp chí, kỷ yếu... Điển hình, Trường đã tổ chức thành công 2 hội thảo khoa học quốc tế có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn có uy tín ở trong và ngoài nước tham dự, xuất bản và phát hành kỷ yếu hội thảo bằng tiếng Anh có chỉ số ISBN (chỉ số công bố công trình khoa học quốc tế) để tính điểm công trình khoa học. Trường đã thực hiện 511 đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, tham gia 1 đề tài cấp nhà nước, 11 đề tài cấp bộ, 458 đề tài cấp cơ sở, 41 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên với 1 đề tài đạt giải Ba, 3 đề tài đạt giải Khuyến khích cấp Bộ.
Bên cạnh đó, Trường đã thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế, thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong ngành, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán tổ chức các chương trình hợp tác quốc tế. Ngay từ những năm đầu thành lập, Trường thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia xây dựng nền tảng lý luận về hành chính - pháp lý, đóng góp quan trọng vào việc hình thành và phát triển hệ thống tư pháp của Campuchia hiện nay. Trường cũng tổ chức đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với tổng số 7 khóa 107 học viên. Hầu hết các học viên sau khi ra Trường về nước công tác đều giữ chức vụ cao của VKSND tối cao Lào, một số đồng chí giữ cương vị lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước Lào. Trường thực hiện việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các nước có nền công tố mạnh hoặc tương đồng như: Học viện Kiểm sát Trung Quốc; Đại học Murdoch, Úc; Viện kiểm sát Hungari… Kết quả là, trong năm 2019, Trường đã phối hợp với Đại học Murdoch, Úc mở lớp đào tạo ngắn hạn về tội phạm học, pháp y và an ninh mạng cho 30 Kiểm sát viên, Điều tra viên và Giảng viên; mở khóa tập huấn về nâng cao năng lực truy tố cho 12 Công tố viên Mô-dăm-bích và 8 Kiểm sát viên Việt Nam trong các vụ án liên quan đến động vật hoang dã. Từ năm 2015 đến nay, Trường đã cử 19 sinh viên đi du học tại Cộng hòa nhân dân Hungari.
Với những kết quả đạt được, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 1984), hạng Nhì (năm 1990), hạng Nhất (năm 2010), Huân chương hữu nghị (năm 2012); nhiều lần nhận Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao. Ngoài ra, Nhà trường còn có nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân và Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ tập trung thực hiện tốt một số công việc sau:
Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của từng vị trí công tác theo quy định, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu phát triển Nhà trường.
|
|
Một tiết học thực hành của sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Ảnh: CTV |
Thứ hai, Nhà trường tổ chức đào tạo đại học, sau đại học ngành Luật với quy mô phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát và của xã hội; Chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên theo hướng hiện đại, gắn trực tiếp với yêu cầu của ngành, nghề đào tạo. Đổi mới phương thức xây dựng kế hoạch, chương trình, tài liệu, hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát và gắn với vị trí việc làm.
Thứ ba, Nhà trường điều chỉnh cơ cấu hoạt động đào tạo, đáp ứng quy định về cơ sở giáo dục đại học theo hướng ứng dụng: xây dựng trung tâm thực hành nghề luật, các phòng thực hành, diễn án, truyền hình trực tuyến các phiên tòa tại một số phòng học. Quan tâm dành nhiều kinh phí chi cho hoạt động khoa học; 100% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, có công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Xây dựng nhóm giảng dạy – nghiên cứu, bao gồm nhóm giảng viên, nghiên cứu viên cùng ngành Luật, cùng nhau nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực pháp luật, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường đang nghiên cứu đề nghị Lãnh đạo VKSND tối cao cho phép thành lập “Viện nghiên cứu khoa học kiểm sát” thuộc cơ cấu của Trường, trên cơ sở nâng cấp và phát triển từ Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế để thực hiện nhiệm vụ tổ chức và triển khai nghiên cứu khoa học pháp lý, trong đó có khoa học về thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, phục vụ việc nâng cao chất lượng công tác của ngành Kiểm sát nhân dân. Từng bước công khai khung giám sát, đánh giá chi phí, hiệu quả, tác động, tính bền vững của các đề tài, dự án nghiên cứu và triển khai của Trường. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên và sinh viên với các trường đại học nước ngoài.
Thứ tư, Nhà trường hoàn thành việc đánh giá trường đại học theo quy định của pháp luật; tổ chức đánh giá ngoài chương trình đào tạo thông qua một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc tổ chức kiểm định quốc tế được Việt Nam công nhận.
Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác bằng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại, phát triển hệ thống trực tuyến đào tạo từ xa, kết nối với các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, vụ việc dân sự. Kết nối thông tin giữa các phòng học, tiến tới những bài học lý thuyết chuyên sâu, một giảng viên có trình độ chuyên môn cao có thể giảng dạy cho nhiều lớp.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trường với các đơn vị có liên quan và VKSND địa phương trong công tác tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng, đảm bảo các sinh viên ra trường có nguyện vọng vào ngành Kiểm sát đều được tuyển dụng. Sinh viên và người tuyển dụng hài lòng về chương trình đào tạo và môi trường học tập, nghiên cứu khoa học tại Trường.
TS. Lại Viết Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội