Phóng viên: Từng giữ cương vị là Phó Viện trưởng VKSND tối cao, nhiều năm phụ trách công tác đối ngoại của Ngành, ông đánh giá thế nào về vai trò, vị trí công tác đối ngoại giai đoạn 1995-2010 của VKSND?

TS. Khuất Văn Nga: Tôi cho rằng, khoảng thời gian 15 năm (1995-2010) là thời gian chuyển hướng tích cực và tạo ra những kết quả mang tính đột phá trong việc thực hiện chủ trương mở cửa của Đảng và Nhà nước ta với phương châm: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển”.

Đối với ngành KSND, chúng ta đã thực hiện nghiêm túc chủ trương trên và có những kết quả nổi bật, khởi sắc về hợp tác quốc tế trong giai đoạn này, thể hiện ở ba phương diện sau:

Thứ nhất: Chúng ta đã mở rộng tầm nhìn, học hỏi và trao đổi với các nước có nền tư pháp tiên tiến với nhiều lý thuyết mới như “Mặc cả thú tội” (Plee bargening) của Hoa Kỳ, không quy định thời gian xét xử trong tố tụng hình sự của Nhật Bản, việc đào tạo Công tố viên chủ yếu qua thực tiễn công tác ở Đức và Nhật Bản, hay như vấn đề tranh tụng (Adversary system)…để phục vụ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp cũng như làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn then chốt của công tác kiểm sát, phục vụ cho việc tổng kết 50 năm công tác kiểm sát (1960-2010), trong đó đã cập nhật được những vấn đề lịch sử và thời đại.

Thứ hai: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ở nước ngoài giai đoạn này cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đã có hàng nghìn cán bộ Kiểm sát trung cấp, cao cấp được cử đi nghiên cứu, trao đổi với các nước có nền tư pháp tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác như Đan Mạch, Pháp, Thuỵ Điển và các nước ASEAN. Hàng trăm cán bộ trẻ được đào tạo tiếng Anh, pháp luật và thạc sĩ ở nước ngoài, trong đó có người đã bảo vệ luận án Tiến sĩ. Hiện nay, họ tiếp tục khẳng định được mình và trưởng thành, có người giữ cương vị lãnh đạo VKSND tối cao, nhiều người là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc VKSND tối cao... Diện mạo cán bộ đối ngoại của ngành Kiểm sát có thể nói đã có bước trưởng thành vượt bậc.

Thứ ba: Quá trình 15 năm (1995-2010) cũng là thời gian chúng ta đã giới thiệu kinh nghiệm, tuyên truyền vai trò, vị trí của tư pháp Việt Nam, Viện kiểm sát Việt Nam ra bạn bè quốc tế, để họ hiểu thêm về nền tư pháp và Viện kiểm sát cũng như quá trình cải cách tư pháp của chúng ta. Bản thân tôi chủ trì nhiều Đoàn công tác đi nước ngoài và có các bài giảng ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc và Đức về Viện kiểm sát và cải cách tư pháp Việt Nam. Các đoàn Viện kiểm sát, Viện công tố các nước đến Việt Nam cũng được trao đổi kinh nghiệm của nước ta về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp cũng như vai trò của Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. 

leftcenterrightdel
 TS. Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao đổi với các chuyên gia về sở hữu trí tuệ trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ năm 2007.

Đáng chú ý, giai đoạn này, chúng ta đã duy trì các mối quan hệ bạn bè truyền thống, hữu nghị giữa VKSND tối cao Việt Nam với VKSND nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, thông qua các đoàn sang thăm, làm việc và việc tổ chức Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới, mối quan hệ giữa VKSND hai nước cũng được tăng cường, củng cố, phát triển vững mạnh hơn.

Khoảng thời gian này, VKSND tối cao Việt Nam đã tham gia tích cực vào các Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN - Trung Quốc tổ chức ở Indonesia, Philippin, Trung Quốc… Nội dung các Hội nghị đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm mạng, tội phạm tham nhũng...và chúng ta đã góp phần đáng kể vào thành công của Hội nghị trên tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau.

Phóng viên: Cùng với những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại của VKSND, ông có thể chia sẻ một số kỷ niệm của mình trong thời gian công tác cũng như việc tham dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc?

TS. Khuất Văn Nga: Kỷ niệm thì rất nhiều, tuy nhiên, tôi có những kỷ niệm khó quên về việc sử dụng tiếng Anh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Tiếng Anh bây giờ thì nhiều người biết và sử dụng thành thạo còn vào thời điểm những năm 1990 thì những ai biết được thứ tiếng này dường như còn “quý hơn vàng”. Mỗi khi có đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc là phải mời phiên dịch của Bộ Ngoại giao sang giúp đỡ.

Vào năm 1995, khi tôi đang là Viện trưởng Viện Khoa học, trong lần Giáo sư Nancy Holander từ Hoa Kỳ đến Việt Nam công tác và được VKSND tối cao mời dự ăn trưa. Khi một đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao giới thiệu các món ăn của Việt Nam, trong đó có món nộm (gồm ngó sen, hoa chuối, tai lợn, vừng và húng láng). Lúc đó phiên dịch chưa đến, đồng chí Phó Viện trưởng thấy tôi ngồi bàn bên cạnh bảo tôi phiên dịch giúp. Trước tình huống bất ngờ này, tôi đã diễn giải đại ý đây là một món salad truyền thống của Việt Nam được làm từ rễ sen ở Hồ Tây, hoa chuối rừng, bì da của một loại lợn rừng (không nói là tai lợn) và một loại rau thơm đặc sản của Hà Nội. Giáo sư Nancy gật đầu. Sau này khi có dịp trở lại thăm Việt Nam, tôi gặp và nhắc lại món salad truyền thống. Lúc này, nữ Giáo sư nói rằng, thực ra lúc đó bà ấy không hiểu món ăn salad gồm những thứ gì!

Một kỷ niệm khác đó là tại Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2006 được tổ chức tại Jakarta, Indonesia. Đây là Hội nghị mà tôi là Trưởng Đoàn của VKSND tối cao Việt Nam tham dự và cũng là Hội nghị lần đầu tiên lãnh đạo Viện trình bày báo cáo bằng tiếng Anh. Khi tôi trình bày, ở phía dưới thấy mọi người nghe chăm chú, tôi cũng không nhận ra tiếng của mình nữa. Sau đó, các đại biểu vỗ tay khi tôi trình bày xong. Hội nghị được ghi lại bằng video và tặng cho các đoàn làm kỷ niệm, trong đó có ghi phần trình bày báo cáo của tôi. Sau khi về nước, một lần tôi mở video ra xem và có mời một chuyên gia Đan Mạch đến xem cùng. Sau khi xem xong, tôi hỏi ông có hiểu tôi nói gì không. Ông này cười trả lời: “Tôi hiểu quá đi chứ vì ông nói tiếng Anh như người Đan Mạch”.

Đặc biệt tại Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2009 lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội do VKSND tối cao Việt Nam chủ trì. Hội nghị có chủ đề “Tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, với sự tham dự của gần 200 đại biểu và 14 đoàn đại biểu quốc tế. Tại Hội nghị này, tôi được giao nhiệm vụ trình bày Bản Tuyên bố chung của Hội nghị bằng tiếng Anh. Lúc 11h, dự thảo Tuyên bố chung đã hoàn thiện để gửi các đoàn thảo luận, góp ý với hi vọng là các đoàn sẽ thống nhất ngay, không sửa chữa, bổ sung gì. Tuy nhiên, tình huống phát sinh là có 3 đoàn nói rằng họ phải xin ý kiến lãnh đạo ở trong nước và sẽ gửi lại lúc 13h30’. Trong khi 14h phải có Bản Tuyên bố chung để in phát cho các đoàn. Việc này tôi lo lắng khủng khiếp. Huyết áp tăng lên 150 mmHg. Bác sĩ phải đưa tôi vào phòng y tế của Hội nghị để tiêm thuốc. Đúng 13h30’, cả 3 đoàn gửi lại ý kiến đóng góp và chúng tôi chỉ có 30 phút để hoàn thiện văn bản Tuyên bố chung. Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi cùng anh em phiên dịch chỉnh sửa, hoàn thiện để đúng 14h kịp thời phát hành, trình bày tại Hội nghị. Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, không xảy ra vấn đề gì, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ hôm đó chắc mình phải sụt đi vài kilogam vì lo lắng (cười).

Tôi cảm thấy rất vui mừng vì sau 14 năm, VKSND tối cao của chúng ta lại có cơ hội đứng ra chủ trì tổ chức Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 13 tại Thủ đô Hà Nội. Nhìn lại chặng đường từ khi bắt đầu hội nhập đến nay có thể khẳng định, ngành KSND đã có bước tiến vô cùng to lớn trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, trình độ của cán bộ ngành Kiểm sát, Hội nghị lần thứ 13 sẽ thành công, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử công tác đối ngoại của VKSND.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn TS. Khuất Văn Nga về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

Văn Tình (thực hiện)