Thuở ban đầu lưu luyến

Chúng tôi về thôn Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vào một ngày nắng đẹp. Cánh đồng lúa đang vào thì con gái xanh mướt. Căn nhà nhỏ, giản dị của ông Bùi Xuân Mẫn nằm sâu trong thôn. Ở tuổi 92 nhưng ông Mẫn vẫn khỏe, minh mẫn.

Trò chuyện với tôi, ông kể, khi mới 15 tuổi, ông đã tham gia cách mạng. Năm 1947, khi mới 17 tuổi, ông đã đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên, Đội trưởng  Đội dân quân tự vệ xã Quyết Thắng. Cùng với quân dân xã Quyết Thắng, ông lập công xuất sắc nên ngày 23/7/1947, ông đã vinh dự được tổ chức cho kết nạp Đảng. Năm 1952, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, kiêm Chính trị viên, Xã Đội trưởng xã Quyết Thắng. 

leftcenterrightdel
Ông Bùi Xuân Mẫn kể cho Phóng viên nghe chuyện nghề cùng những tấm Huân, Huy chương. 

Năm 1960, ngành Kiểm sát nhân dân được thành lập, thực hiện sự phân công của Đảng và tổ chức, tháng 3/1961, ông Mẫn được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng VKSND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Hưng. Như có duyên với nghề, ông Mẫn đã cháy hết mình với công việc nên dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng ông đã lần lượt giữ các chức vụ chủ chốt, như: năm 1963 là Huyện ủy viên, Viện trưởng VKSND huyện Thanh Hà. Với bản lĩnh của một người Kiểm sát viên được tôi luyện và trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông Mẫn đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong những ngày đầu thành lập; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật; được đồng nghiệp tin tưởng và nhân dân yêu mến.

Năm 1968, ông Mẫn được điều động về phụ trách Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh, kinh tế, ma túy và chức vụ; án an ninh trật tự (gồm Phòng 1 và Phòng 2 ngày nay) của VKSND tỉnh Hải Hưng. Thời kỳ này, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Hải Hưng rất phức tạp. Cán bộ của ngành Kiểm sát, ngoài công việc chuyên môn, còn tập trung cùng với quân và dân cả nước chung sức đánh giặc. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với bản lĩnh vững vàng của người thủ lĩnh phụ trách mảng án hình sự, ông Mẫn luôn trăn trở phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao mỗi khi giải quyết các vụ án phức tạp.

Ông trải lòng: “Dù trước một vụ án lớn, phức tạp, nhiều bị can, cùng hàng ngàn trang bút lục hay với những vụ án đơn giản, tôi chưa bao giờ tỏ ra chủ quan. Tôi hiểu rằng, sau mỗi bản án là số phận một con người. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể để lọt tội phạm hay làm oan sai người vô tội”.

Năm 1980, ông Mẫn được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Hưng, tiếp tục phụ trách khối hình sự. Trong những năm tháng khó khăn khi đất nước vừa ra khỏi chiến tranh chống Mỹ cứu nước; biên giới phía Bắc, phía Tây Nam nóng bỏng, đất nước bị bao vây cấm vận, nhưng với cương vị của mình, ông luôn trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong quản lý, chỉ đạo điều hành, cùng tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh Hải Hưng khắc phục mọi khó khăn, đưa đơn vị ngày càng ổn định và phát triển. Trong suốt 10 năm ở cương vị Phó Viện trưởng, ông Mẫn luôn chỉ đạo Kiểm sát viên trong đơn vị phải bám sát, nắm chắc tiến độ điều tra, kịp thời phát hiện các vi phạm, sai sót để phối hợp với Điều tra viên khắc phục, bổ sung; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. 

Những vụ án đáng nhớ một thời

Chưa trả lời ngay vào câu hỏi của tôi về những kỷ niệm trong “đánh” án, nhấp chén trà nóng hổi, ông nói: “Công việc của những người Kiểm sát viên là làm sao bảo đảm người có tội phải trả giá trước pháp luật, người vô tội phải được bảo vệ. Nhưng để thực hiện được điều tưởng như đơn giản đó, đòi hỏi người làm nghề không những phải vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải tận tâm, tận lực và nhất là luôn phải công tâm trước mỗi vụ án”.

leftcenterrightdel
Ông Bùi Xuân Mẫn kể cho Phóng viên nghe chuyện nghề cùng những tấm Huân, Huy chương. 

Ông Mẫn còn nhớ như in quá trình giải quyết vụ thảm án kinh hoàng do nổ lựu đạn khiến vợ và 2 người con trong gia đình ông giáo Đính chết thảm. Vụ án xảy ra vào sáng sớm ngày 26/12/1983, tại gia đình nhà ông giáo Phạm Văn Đính, ở thôn Toại An, xã Đông Kỳ, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng (nay là huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Sáng hôm ấy, trong khi bà Nguyễn Thị Yên (vợ ông Đính) và 2 con đang ngồi nấu cám lợn, còn ông Đính đang ngủ trong ổ rơm ở góc nhà thì bất chợt một tiếng nổ lớn cùng quầng lửa bùng lên, phá tan sự yên ả của làng quê.

Tiếng nổ đó đã cướp đi sinh mạng của bà Yên (45 tuổi), cùng con trai Phạm Văn Lộc (12 tuổi) và con gái Phạm Thị Yến (16 tuổi). Vụ án nhanh chóng được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, ban đầu xác định kẻ thủ ác là Nguyễn Văn Ước (SN 1958), là hàng xóm của gia đình ông giáo Đính. Cơ quan điều tra đã bắt giam Nguyễn Văn Ước. Nhưng khi đó, ông Ước một mực kêu oan.

Dịp này, ông Mẫn vừa đi học ở Liên Xô về, vụ án đó được bàn giao cho ông phụ trách. “Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, xét thấy không đủ căn cứ để kết luận Nguyễn Văn Ước ném lựu đạn vào nhà ông Phạm Văn Đính làm chết 3 người nên chính tôi đã họp bàn với các cơ quan chức năng, đồng thời ký lệnh trả tự do cho ông Ước vào ngày 30/6/1986, sau 30 tháng ông Ước bị giam giữ” - ông Mẫn kể lại.

Một vụ án khác xảy ra tại xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng. Người dân tố cáo cán bộ xã sai phạm về đất đai nên Thanh tra của huyện Tứ Lộc ngày đó vào cuộc. Nhưng kết luận của Thanh tra đã không chỉ ra sai phạm và có dấu hiệu dung túng, bao che nên người dân tiếp tục có đơn khiếu nại, đề nghị Viện kiểm sát vào cuộc.

Sau khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại của người dân, ông Mẫn đã chỉ đạo Kiểm sát viên xác minh, làm rõ. Quá trình xác minh khiếu nại, Kiểm sát viên phát hiện một số cán bộ xã Nguyên Giáp có sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai, nhưng Thanh tra huyện Tứ Lộc đã bao che cho sai phạm đó. Vụ án sau đó bị VKSND huyện Tứ Lộc truy tố đưa ra Tòa án xét xử, một số cán bộ xã Nguyên Giáp sai phạm về quản lý đất đai lãnh án tù giam. Vụ án đó đã thu hồi được tài sản cho Nhà nước, đặc biệt là lấy lại niềm tin cho người dân.

Thời còn công tác, ông Bùi Xuân Mẫn là một người công minh, chính trực, khách quan, giỏi nghiệp vụ. Trong các vụ án phối hợp với Cơ quan điều tra, ông Mẫn luôn được các Điều tra viên nể phục. Có vụ án, Điều tra viên gửi hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị phê chuẩn khởi tố đối tượng. Tuy nhiên, khi Kiểm sát viên kiểm tra, xem xét phát hiện có sai sót, ông Mẫn đã kiên quyết chỉ đạo trả lại hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung. Nhưng, Điều tra viên đó đã tự tay ghi vào hồ sơ mà không điều tra bổ sung theo quy định. Mặc dù vụ án đó cũng không nghiêm trọng, nhưng với việc làm cẩu thả, không trung thực của Điều tra viên, ông Mẫn đã kiên quyết làm tới cùng. Sau vụ việc đó, Điều tra viên mắc sai phạm đã bị kỷ luật.

Bận rộn với công việc là vậy, nhưng với gia đình, ông Mẫn luôn dành tình cảm yêu thương nhất cho vợ và các con. Năm 1946, ông Mẫn và bà Nguyễn Thị Sức (SN 1928, người cùng làng) kết hôn với nhau và sinh được 5 người con, bốn trai, một gái. Do có sự dưỡng dục của người cha mẫu mực cùng người vợ hiền lành nên các con của ông bà đều trưởng thành trong môi trường quân đội và giáo viên. Được biết, người con trai thứ tư của ông bà là Bùi Văn Nghinh đã tiếp nối sự nghiệp của cha vào ngành Kiểm sát nhân dân, hiện đang là Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Dương. Tiếp bước truyền thống vẻ vang của gia đình, cháu nội của ông là Bùi Xuân Hải cũng đang là cán bộ của VKSND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, ông Bùi Xuân Mẫn được tặng thưởng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; được Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen; được ngành Kiểm sát nhân dân tặng thưởng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp ngành Kiểm sát; 2 lần được VKSND tối cao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Ngành; 26 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và cơ sở... Năm 2021, ông Mẫn còn biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Quyết Thắng, thời kỳ 1930-2020.


Bình Minh