Tôi gặp KSV Phạm Ái Linh vào một ngày giữa tháng 11/2020, khi chị đang cùng đồng nghiệp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án của bị cáo Trần Văn Thôi cấu kết với các đối tượng khác làm giả hàng trăm bộ hồ sơ giấy tờ đất loại hồ sơ 2 lá, 3 lá giả, thu lợi bất chính 157,4 triệu đồng. Đây là vụ án nghiêm trọng, rất phức tạp, hồ sơ vụ án dày hàng nghìn trang bút lục, số lượng hồ sơ làm giả và người có quyền, nghĩa vụ liên quan lên đến 238 người. Thời điểm đó, chị đang là Phó Viện trưởng VKSND quận Liên Chiểu.

Lần gặp đầu tiên ấy, tôi bị "ấn tượng" với sự trách nhiệm, nghiêm túc và sắc sảo trong công việc của chị. Ban đầu các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng với bản lĩnh nghiệp vụ vững vàng, chị và đồng nghiệp đã chủ động xét hỏi, đối chất chất tại phiên tòa nhằm củng cố chứng cứ khi luận tội, dùng các luận điểm, căn cứ pháp luật tranh tụng với luật sư, bị cáo và kể cả HĐXX để bác bỏ quan điểm bảo vệ của các luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội, phạm tội danh khác…

Cuối cùng, sau hai ngày xét xử, HĐXX đã mức án tuyên phù hợp với đề nghị của Viện kiểm sát, 4 bị cáo trong vụ án đã phải nhận mức án thích đáng với hành vi phạm tội của mình. 

Ba tháng sau, tôi gặp lại chị Linh, vẫn là dáng người nhỏ nhắn trong màu áo thiên thanh, khuôn mặt tập trung cao độ vào việc khám nghiệm hiện trường trong vụ án hai người đàn ông được phát hiện đã tử vong khi đang lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng. Thời điểm này chị cũng vừa mới được điều động đến nhận công tác tại VKSND quận Thanh Khê và giữ chức vụ Phó Viện trưởng…

leftcenterrightdel
 KSV Phạm Ái Linh cùng đồng nghiệp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án của bị cáo Trần Văn Thôi cấu kết với các đối tượng khác làm giả hàng trăm bộ hồ sơ giấy tờ đất. (ảnh: AL).

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo ngành công an nên ngay từ nhỏ, ngọn lửa nhiệt huyết đam mê với công tác đấu tranh chống lại tội phạm đã được nhen nhóm trong lòng chị. Tốt nghiệp cấp ba, chị Ái Linh quyết tâm thi đỗ và theo học tại trường Cao đẳng kiểm sát TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2001.

Ra trường, chị được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát và được phân công về công tác tại VKSND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Với một người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm đặc biệt là đối với nữ, bước đầu khi tham gia kiểm sát xét xử còn nhiều bỡ ngỡ nhưng chị đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước, tích cực nghiên cứu tài liệu chuyên môn nhằm hoàn thiện kiến thức cho mình nhiều hơn, quá trình tham gia thực hành quyền công tố.

Năm 2015, chị Linh được bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng VKSND quận Liên Chiểu rồi được bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp vào năm 2017, đảm nhiệm từ công tác văn phòng đến kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình và thương mại, kiểm sát  điều tra - truy tố - xét xử một số vụ án hình sự phức tạp. 

Trong mọi nhiệm vụ công tác được phân công, chị luôn đặt trách nhiệm cao, tình yêu nghề lên trên hết, với mong muốn đem lại công bằng, đưa người phạm tội ra xét xử trước pháp luật. Chị luôn nghiên cứu hồ sơ tài liệu kĩ lưỡng, đưa ra nhiều ý kiến mới sáng tạo để giải quyết các vụ án khó, phức tạp.  Không kém cạnh về sự nỗ lực, cống hiến so với nam đồng nghiệp, chị đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ ngày nay.

Gắn bó với ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2001, Kiểm sát viên Phạm Ái Linh tâm sự: "Nhận công tác tại VKSND quận Hải Châu, lúc đó, tuổi đời, tuổi nghề còn khá non trẻ, tính chất công việc lại có nhiều đặc thù nên tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. May mắn được các anh chị, các bạn từ VKSND quận Hải Châu đến VKSND quận  Liên Chiểu rồi nay về công tác tại VKSND quận Thanh Khê giúp đỡ rất nhiều…”

leftcenterrightdel
 KSV Phạm Ái Linh (thứ 3 từ phải sang) nhận giấy khen của Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác trong gia đoạn 2015-2019. (ảnh: AL)

Theo chị Linh, với án hình sự, Kiểm sát viên được tiếp cận, bám sát vụ án ngay từ đầu, số lượng án khá nhiều, không chỉ đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà đòi hỏi bản lĩnh “thép” trong đấu tranh chống tội phạm. Còn án dân sự, số lượng ngày càng nhiều, vụ việc diễn ra trong xã hội thì “muôn ngàn kiểu” mà hồ sơ tiếp cận thời gian theo luật định… Nói chung, ở lĩnh vực nào cũng đòi hỏi Kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiến thức chuyên môn sâu, rộng và tự trau dồi, rèn luyện để không bị thụt lùi.

Qua mỗi vụ án, mỗi phiên tòa..., chị đều rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không ngừng hoàn thiện mình và truyền kinh nghiệm cho các đồng nghiệp khác, nhất là những đồng nghiệp mới vào ngành.

Là một Kiểm sát viên, những chuyến đi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cả đêm hay dài ngày đã trở nên quá quen thuộc.

“Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi là một trong những công tác quan trọng trong quá trình giải quyết án hình sự, nó là tiền đề để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nếu thực hiện tốt công tác này sẽ giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử đạt hiệu quả, chất lượng cao. Quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi phải thật tỉ mỉ, thận trọng, thu thập đầy đủ dấu vết có tại hiện trường, đặc biệt là hiện trường những vụ giết người, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy,…

Nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình kiểm sát khám nghiệm, khi có tin báo, dù là nửa đêm, mưa nắng hay ngày nghỉ lễ cũng phải lập tức gác lại công việc đang làm dang dở, có mặt cùng với cơ quan điều tra để tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi, đối chất, nhận dạng…

leftcenterrightdel
 Chị Ái Linh cùng các đồng nghiệp đến thăm, trao quà hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Đà Nẵng. (ảnh: AL)

Mỗi vụ án là một bài toán khó, phải hao tâm tổn trí vì nó rất nhiều chi tiết. Dù đã vào nghề mấy chục năm, từng tham gia nhiều vụ án hóc búa nhưng mỗi khi vụ án xảy ra mình vẫn tập trung hết mức, không chủ quan được…

Khi phải tiếp xúc với nhiều đối tượng giang hồ phức tạp, đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm trong các vụ án hóc búa, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm…, các nữ Kiểm sát viên khi làm việc luôn phải cố gắng giữ “một trái tim nóng và cái đầu lạnh”, tránh các biểu hiện cảm xúc bên ngoài, tự tin, bản lĩnh, biết cách biến những điểm yếu về giới tính thành những điểm mạnh để vận dụng vào công việc một cách khéo léo, hiệu quả.” – Chị Linh tâm sự.

Trên thực tế,  nghe nói đến khám nghiệm tử thi, có rất nhiều người nghi ngại, riêng đối với nữ Kiểm sát viên làm công việc này lại càng khó khăn, vất vả hơn, khi nhiều lúc tham gia những vụ xảy ra trong đêm khuya, việc đi lại khó khăn.

Khi được hỏi về nỗi sợ khi khám nghiệm tử thi, đồng chí Linh cười hiền trả lời: “Ngoài những khó khăn chung của nghề thì so với các đồng nghiệp nam giới, các nữ Kiểm sát viên chúng tôi cũng không tránh khỏi những vất vả, hạn chế đặc thù do giới tính mang lại. Nhưng ngay từ khi xác định gắn bó với nghề, mình cũng như các đồng nghiệp đã quên hẳn đi chữ “sợ”, lúc nào cũng ở trong tinh thần “sẵn sàng”, vì công việc cần tính xác thực, chính xác của vụ việc, nên phải kịp thời kiểm sát mọi hoạt động khám nghiệm để đảm bảo đúng pháp luật. Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của pháp luật. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoạt động khám nghiệm của cơ quan điều tra thì Kiểm sát viên sẽ yêu cầu khắc phục, bổ sung kịp thời để việc khám nghiệm được thực hiện theo pháp luật.

Mặt khác, những Kiểm sát viên làm công việc kiểm sát khám nghiệm tử thi cũng phải có tinh thần thép, đam mê với nghề, quan trọng nữa là phải được gia đình yêu thương và thấu hiểu.

15 năm công tác trong ngành Kiểm sát, đồng chí Linh và các nữ Kiểm sát viên khác đã tiếp cận và xử lý rất nhiều vụ việc, có những vụ để lại những ký ức không thể quên...

Lần giở những tài liệu về vụ tai nạn đường sắt thương tâm, anh thanh niên hai mấy tuổi vì thất tình, say xỉn, ngồi trên đường ray rồi không may sau đó xảy ra tai nạn chị Linh chia sẻ: “Thời điểm đó chưa có hệ thống camera giám sát, camera hình trình nên việc khám nghiệm hiện trường khá vất vả. Sau khi tiếp cận hiện trường, xác định được nạn nhân không có thương tích gì nghiêm trọng chỉ có một vết thủng trên người.

Tôi cũng đã trao đổi với anh em đồng nghiệp, Điều tra viên cũng như phía Giám định viên về việc xuất hiện vết thủng trên người có trước hay có sau? Có hay không có việc có người dựng hiện trường giả cho bị hại nằm trên đường sắt? Xác định tại thời điểm va chạm  người đó ở vị trí trạng thái nào?... Bởi đối với những vụ tai nạn đường sắt rất nghiêm trọng, thi thể thường không nguyên vẹn.

Sau đó tôi cùng với Giám định viên đã quay lại hiện trường, xem xét ở đường tàu, toa xe, xem vị trí nào gây ra vết thương và cuối cùng đã làm rõ được dấu vết, tình tiết trong vụ việc.”

Hay như vụ án xảy ra  ngày vào năm 2017,  tại đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) do mâu thuẫn riêng của hai vợ chồng không hòa giải được, sau khi đã làm thủ tục li hôn, người chồng nhẫn tâm giết chết vợ rồi thắt cổ tự tử, để lại hai đứa con nhỏ.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Ái Linh (thứ hai bên phải sang) cùng các đồng chí thuộc Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2021. (ảnh: AL)

Hình ảnh hai đứa trẻ phát hiện sự việc, đứng run rẩy, thẩn thờ trước thi thể bố mẹ trong một ngày trời mưa tầm tã là một nỗi ám ảnh không nguôi. Nỗi đau mà những đứa trẻ bỗng chốc mất đi cả bố lẫn mẹ phải gánh chịu trong suốt cuộc đời, người ngoài cuộc chỉ chứng kiến thôi đã thấy nhói lòng...

Mỗi lần tham gia xét xử xong một phiên tòa đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kết thúc một vụ án là hoàn thành nhiệm vụ nhưng chị cũng mang nhiều trăn trở, suy nghĩ. Chị tâm sự, xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là phải kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm, quyết định đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người…đòi hỏi cán bộ ngành Kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật.

Trải qua 15 năm công tác, trong ngành, chị Linh không ngừng cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là nữ Kiểm sát viên “Giỏi việc nước, đảm việc nhà.”

Từ lòng yêu nghề, chị đã phấn đấu không ngừng trong công việc, nhiều năm liền, được công nhận là chiến sỹ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân, được vinh dự nhận giấy khen của Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.

Mới đây trong năm 2020, chị đạt giải A trong cuộc thi “Xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động”. Chị được Viện trưởng VKSND tối cao tặng kỉ niệm chương vì sự nghiệp Kiểm sát.

Vinh dự hơn nữa, năm 2020 chị là một trong 110 nữ Kiểm sát viên tiêu biểu của ngành KSND được vinh danh tại Hội nghị cán bộ nữ ngành KSND nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KSND Việt Nam.

Không chỉ giỏi chuyên môn, chị Linh còn năng động, sáng tạo trong các hoạt động đoàn thể. Ở lĩnh vực nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đối với cán bộ trẻ mới bước vào công tác, chị luôn là người chị, hết lòng quan tâm, chỉ bảo hướng dẫn trong công việc và đưa ra những lời khuyên hữu ích trong đời sống thường ngày, là tấm gương sáng để anh em đồng nghiệp học tập, noi theo. Dù công việc bận rộn nhưng chị luôn sắp xếp thời gian hợp lý để chăm lo gia đình yên ấm, hạnh phúc…

Lê Tâm