leftcenterrightdel
Điều luật đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác”. 

Tại Điều 353 (Tội tham ô tài sản) của BLHS năm 2015 đã điều chỉnh hợp lý mức trị giá tài sản chiếm đoạt. Đồng thời, Điều luật đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” ở khoản 2 bằng các tình tiết: gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức. Đồng thời, Điều luật bổ sung thêm tình tiết định khung tại khoản 2: “Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”. Bên cạnh đó, Điều luật đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” ở khoản 3 bằng các tình tiết: gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động. Mặt khác, Điều luật cũng đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” ở khoản 4 bằng tình tiết “gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”. Nâng mức phạt tiền là hình phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng lên thành từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (khoản 5). Ngoài ra, để xử lý hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực tư, điều luật bổ sung quy định người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này (khoản 6).

Đối với Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354, để đáp ứng yêu cầu Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của tội này theo hướng người nhận hối lộ cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác và bổ sung của hối lộ là lợi ích phi vật chất (khoản 1). Tuy nhiên, đối với lợi ích phi vật chất, do khó lượng hóa được nên Điều luật chỉ quy định ở khoản 1. Bên cạnh đó, để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong tình hình mới, Điều luật điều chỉnh hợp lý của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng lên thành từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng (khoản 1); từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng lên thành từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (khoản 2); từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng lên thành từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng (khoản 3); từ 300.000.000 đồng trở lên lên thành 1.000.000.000 đồng trở lên (khoản 4).

Mặt khác, Điều luật đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” ở khoản 2 bằng tình tiết “gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng”; cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” ở khoản 3 bằng tình tiết “gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng”; cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” ở khoản 4 bằng tình tiết “gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”. Ngoài ra, Điều luật đã thay mức phạt tiền là hình phạt bổ sung từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ bằng mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (khoản 5).

P.V