Theo công văn của TAND tối cao, để đảm bảo yêu cầu phối hợp trong công tác, TAND tối cao đề nghị các TAND cấp cao, các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ tiến hành tổng kết thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 9/10/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự (Quy chế số 14/2013).

Nội dung tổng kết gồm 3 phần: Phần 1 về tình hình triển khai thực hiện Quy chế; Phần 2 về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Quy chế và nguyên nhân; Phần 3 về đề xuất, kiến nghị.

Nội dung tổng kết chủ yếu cần bám sát các vấn đề đó là: Đánh giá việc triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự.

Đánh giá kết quả thực hiện các nội dung phối hợp gồm: Phối hợp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự; phối hợp cấp, chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án, hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án; phối hợp giải thích, đính chính những bản án, quyết định chưa rõ, trả lời các kiến nghị của cơ quan thi hành án; phối hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy chế và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Quy chế; đề xuất bổ sung thêm những nội dung cần phối hợp trong công tác thi hành án dân sự mà chưa có trong Quy chế (nếu có).

leftcenterrightdel

Viện kiểm sát tham gia kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án dân sự. (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, tại Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự nêu rõ, mục đích của công tác phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.

Cùng với đó, việc phối hợp phải tuân thủ quy định của pháp luật; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan.

Mặt khác, Quy chế còn nêu rõ các nội dung phối hợp giữa các cơ quan đó là: Phối hợp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự; phối hợp trong việc hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự, cấp và chuyển giao bản án, quyết định.

Phối hợp trong giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; trả lời kiến nghị; thụ lý và giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự; phối hợp trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về thi hành án dân sự; phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Phối hợp trong kiểm tra, trong công tác thu tiền, tài sản; đặc xá, xuất nhập cảnh về thi hành án dân sự.

Phối hợp trong công tác cưỡng chế; trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trong cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác thi hành án dân sự.

Phối hợp trong thống kê, đánh giá, chỉ đạo giải quyết việc thi hành các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; phối hợp trong việc kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự.

Đồng thời, phối hợp trong việc xây dựng báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác thi hành án dân sự; phối hợp trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành.

Về phối hợp trong việc kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, Quy chế số 14/2013/QCLN quy định: Khi ban hành kế hoạch kiểm sát đối với hoạt động thi hành án dân sự, VKSND tối cao gửi kế hoạch cho Bộ Tư pháp để biết và chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. VKSND tối cao gửi kết luận kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, kiến nghị hoặc kháng nghị đối với Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cho Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) để biết và chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở phối hợp với Vụ kiểm sát thi hành án dân sự thuộc VKSND tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo việc thực hiện kết luận kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự; văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị của VKSND tối cao đối với Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

P.V