Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1371/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”.

Đề án xác định mục tiêu chung đó là: Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

Cùng với đó, Đề án cũng xác định các mục tiêu cụ thể. Theo đó, đối với việc nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân, Đề án phấn đấu 80% cán bộ, nhân dân nói chung; trong đó 60% cán bộ, nhân dân địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được PBGDPL, có hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.

Nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ (cán bộ, chiến sĩ) trong Quân đội: 100% cán bộ, chiến sĩ được PBGDPL; có hiểu biết và ý thức chấp hành nghiêm pháp luật; có khả năng, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tỉ lệ vi phạm pháp luật, kỷ luật Quân đội giảm theo từng năm. (Giai đoạn 2021 - 2024: Đạt 50%; giai đoạn 2025 - 2027: Hoàn thành 100%).

Đối với việc nâng cao năng lực PBGDPL cho người làm công tác PBGDPL: 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các đơn vị Quân đội được bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL đáp ứng yêu cầu công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. (Giai đoạn 2021 – 2024: Đạt 50%; giai đoạn 2025 – 2027: Hoàn thành 100%).

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát phối hợp tuyên truyền pháp luật cho người dân thông qua phiên tòa xét xử lưu động tại tỉnh Hậu Giang. (Ảnh minh hoạ)

80% báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên của địa phương, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. (Giai đoạn 2021 – 2024: Đạt 40%; giai đoạn 2025 – 2027: Hoàn thành 100%).

Cùng với các mục tiêu, Đề án đã nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi cán bộ, chiến sĩ trong công tác PBGDPL cho đối tượng của Đề án.

Khảo sát nhu cầu PBGDPL của từng nhóm đối tượng, địa bàn: Điều tra, khảo sát đánh giá tình hình thực hiện công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; ý thức chấp hành pháp luật; nhu cầu học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân để xác định phương hướng, nội dung, giải pháp và các hình thức, mô hình PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác PBGDPL, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thuộc phạm vi của Đề án.

Đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai các hoạt động PBGDPL, trang bị công cụ, phương tiện, thiết bị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tính chất đối tượng của Đề án; biên soạn tài liệu PBGDPL; kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ PBGDPL cho đối tượng của Đề án; 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được hỗ trợ tài liệu và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở (giai đoạn 2021 - 2024 đạt 50%; giai đoạn 2025 - 2027 đạt 100%).

Nâng cao năng lực các tổ chức, đơn vị Quân đội trong công tác PBGDPL bảo đảm các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết cho các tổ chức, đơn vị cơ sở trong Quân đội thực hiện công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở (giai đoạn 2021 - 2024 đạt 50%; giai đoạn 2025 - 2027  đạt 100%).

Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về PBGDPL phù hợp với đối tượng của Đề án để trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết, đánh giá nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Tăng cường công tác phối hợp giữa đơn vị Quân đội với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động PBGDPL cho các nhóm đối tượng của Đề án; lồng ghép việc thực hiện Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan trong quá trình triển khai công tác PBGDPL cho đối tượng của Đề án.

Đồng thời, tiến hành giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Về tổ chức thực hiện, Đề án nêu rõ nhiệm vụ chủ trì của Bộ Quốc phòng, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, Đề án đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo TAND, VKSND các cấp phối hợp với các đơn vị quân đội tổ chức tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động xét xử để giáo dục, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là ở các địa phương địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

P.V