Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân vừa ban hành Kế hoạch về việc phát hành Đề cương tuyên truyền 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020).

Đề cương nêu rõ: Năm 2020, là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước và kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020).

Đây là dịp toàn ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn qua 60 năm xây dựng và phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp to lớn của ngành Kiểm sát nhân dân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VI, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành Kiểm sát nhân dân. 

Đề cương đã đề cập đến các nội dung, gồm: I. Sự ra đời của VKSND; II. VKSND qua các thời kỳ (từ 1960 đến 1975; từ 1975 đến năm 1986; từ năm 1987 đến nay); III. Thành tựu nổi bật và bài học kinh nghiệm của VKSND. 

Liên quan đến những thành tựu nổi bật của ngành Kiểm sát nhân dân, Đề cương đã đề cập đến 10 thành tựu nổi bật, đồng thời khẳng định, với những cống hiến của ngành Kiểm sát nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng trong suốt 60 năm, từ năm 1960 đến năm 2020, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1985 và năm 1990. Ngành cũng được tặng thưởng Huân chương Sao vàng năm 2010; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2015. Nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trong Ngành đã được Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát nhân dân tặng thưởng những danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Cũng theo Đề cương, qua 60 năm xây dựng và phát triển của VKSND có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:

Một là, nắm vững và thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác kiểm sát.

Hai là, nhận thức đúng và đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong bộ máy Nhà nước. 

Ba là, xác định nguyên tắc độc lập và nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát nhân dân. Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu VKSND các cấp.

Năm là, không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác kiểm sát, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Sáu là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh.

Bảy là, tăng cường quan hệ công tác giữa VKSND với các cơ quan, tổ chức khác.

Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự giữa VKSND Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chín là, tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động của VKSND.

Mười là, chú trọng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.

Ngoài các nội dung trên, Đề cương cũng nhấn mạnh: Trải qua chặng đường lịch sử 60 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Nhà nước; thực hiện những mục tiêu mà sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đặt ra.

Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi còn không ít những khó khăn, thách thức nhưng tin tưởng rằng với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Xem toàn văn Đề cương tuyên truyền tại đâyde-cuong-tuyen-truyen-60-nam-thanh-lap-nganh-ksnd

P.V