Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2020; Căn cứ Kế hoạch công tác số 01/KH-VKS ngày 08/1/2020 của VKSND huyện Đak Pơ năm 2020, trong đó xác định khâu đột phá về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự: “Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm”; nhằm tự đào tạo tại chỗ để nâng cao kỹ năng, chất lượng xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, hạn chế thấp nhất các trường hợp Tòa án tuyên khác tội danh, khung hình phạt VKS đã truy tố, hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; không để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của VKS, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tư pháp trong hoạt động tố tụng tại phiên tòa và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, VKSND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau:

Trong năm, Viện trưởng và các Phó viện trưởng trực tiếp Kiểm sát điều tra, THQCT và KSXX hình sự ít nhất 1 vụ để toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên tham dự, học tập nhằm bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, nhất là kỹ năng đối đáp, tranh luận tại phiên tòa cho Kiểm sát viên. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm. 

Chọn dự từ 1 đến 2 phiên tòa bất thường, không báo trước cho Kiểm sát viên biết để phát huy năng lực tư duy, tự chủ, nhanh nhạy, sắc bén khi xử lý tình huống và có phản ứng kịp thời; tiến hành quay camera và ghi âm để họp rút kinh nghiệm cho các Kiểm sát viên tại đơn vị.

Đặc biệt, chú trọng sử dụng phương tiện công nghệ thông tin trong việc “số hóa hồ sơ” và thực hiện việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Lưu ý khi công bố công khai các tài liệu, chứng cứ cần bảo đảm thực hiện đúng quy định về bảo mật thông tin khi áp dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.

Sau khi dự phiên tòa, đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm. Tại đây, mọi người đều được phát biểu dân chủ, thẳng thắn, không nể nang, hình thức. Nhận xét phải đảm bảo khách quan, chỉ rõ điểm mạnh và điểm yếu của Kiểm sát viên về tác phong, cách ứng xử, các thao tác nghiệp vụ. Cụ thể như: cách đọc Cáo trạng, Luận tội, nội dung xét hỏi, buộc tội, đối đáp đã đầy đủ, phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo hay chưa. Đề nghị hình phạt chính, hình phạt bổ sung, mức bồi thường, biện pháp tư pháp có đúng quy định của pháp luật không. Các diễn biến mới phát sinh tại phiên tòa có được Kiểm sát viên đề cập trong Luận tội không. Những vi phạm, thiếu sót của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có được Kiểm sát viên phát hiện, yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật không...

Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành nói chung và quy chế phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc tổ chức “phiên tòa rút kinh nghiệm” theo tinh thần cải cách tư pháp, bảo đảm phiên tòa được diễn ra một cách trang nghiêm, công bằng, trật tự, kỷ cương, an toàn. 

Lãnh đạo đơn vị (đồng chí Viện trưởng, các Phó Viện trưởng) phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành trong các khâu công tác, đặc biệt là khâu công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự; bố trí, tạo điều kiện thuận lợi cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên tham gia các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xét hỏi cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng hình sự.

Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của Thẩm phán, thư ký, Hội đồng xét xử để kịp thời ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đường lối giải quyết vụ án không đúng quy định của pháp luật thì ban hành kháng nghị phúc thẩm theo quy định. 

Phạm Văn Phụng