Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
Ngày 16/3, Ban Chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành KSND (Ban Chỉ đạo 138 ngành KSND) ban hành Kế hoạch số 45/KH-BCĐ138 về thực hiện công tác phòng, chống ma túy năm 2020.
Theo đó, mục đích của việc ban hành kế hoạch nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và kế hoạch, chương trình của Ban Chỉ đạo 138/CP về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng.
Đồng thời, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng, công chức các đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý.
Triển khai đồng bộ các biện pháp; phối hợp với liên ngành tư pháp và các lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức, người lao động trong Ngành đối với công tác phòng, chống ma túy góp phần làm giảm tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng; bảo đảm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, kế hoạch, chương trình của Ban Chỉ đạo 138/CP và Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao.
Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
|
|
Nam nữ thanh niên phê ma túy bị lực lượng Công an bắt quả tang. |
Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong phòng, chống ma túy; chú trọng trao đổi, phối hợp trực tiếp để giải quyết từng vấn đề, vụ việc, đồng thời tập trung nghiên cứu xây dựng văn bản hợp tác, đề xuất cấp có thẩm quyền ký kết thực hiện.
10 nội dung công tác trọng tâm
Về nội dung, kế hoạch đề cập đến 10 công tác trọng tâm. Cụ thể, thứ nhất, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Nghị quyết số 98/NQ-CP, ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 424/QĐ-TTg, ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống ma túy của cấp trên và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống ma túy của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Thứ ba, tập trung tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy đối với người sử dụng, đối với mỗi gia đình, cộng đồng và toàn thể xã hội; lưu ý tới tác hại và hậu quả đặc biệt nguy hiểm gây ra bởi một số loại ma túy mới xuất hiện trong thời gian qua; huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.
Đặc biệt quan tâm quán triệt tới từng công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tuyệt đối không tham gia vào việc chứa chấp, sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất và các hành vi vi phạm khác liên quan đến ma túy; đồng thời có trách nhiệm giáo dục con, cháu của mình và những người thân trong gia đình, bạn bè, ... tránh xa tệ nạn và tội phạm về ma túy.
Thứ tư, tập trung làm tốt công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra, Kiểm sát xét xử các vụ án ma túy; chú ý các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động xác minh, truy tìm làm rõ tình trạng tài sản của bị can để áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản đối với nguồn tài sản bất minh, tài sản đảm bảo thi hành án của các đối tượng phạm tội về ma túy, xử lý đối với tài sản do phạm tội mà có.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách trong các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy, ngay cả trong cơ quan, đơn vị mình.
Triển khai, tham gia có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” 26/6 hàng năm theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 ngành KSND và chính quyền các địa phương.
Thứ sáu, các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao và các VKSND cấp cao 1, 2, 3 cần tập trung quan tâm đến công tác kiểm tra, hướng dẫn địa phương, chủ động nắm tình hình về tội phạm ma túy thông qua các báo cáo ban đầu, các thông tin từ báo chí, truyền thông, mạng xã hội để có sự chỉ đạo kịp thời đối với các vụ án ma túy lớn, có tính chất phức tạp, có nhiều bị can, liên quan đến nhiều địa phương khác nhau do VKSND cấp dưới thụ lý giải quyết.
Thứ bảy, công tác kiểm sát việc chấp hành pháp luật tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và Trại giam cần chú ý đến các biện pháp đấu tranh phòng ngừa việc đưa ma túy vào trong để sử dụng trái phép; thực hiện kế hoạch kiểm sát định kỳ hoặc đột xuất để phát hiện nắm tình hình vi phạm, chú ý các dấu hiệu khả nghi từ các phạm nhân và các thông tin, dư luận từ quần chúng nhân dân để phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng hoặc mua bán trái phép chất ma túy trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam hoặc Trại giam. Ban hành văn bản kiến nghị, xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm.
Thứ tám, thường xuyên phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp để đảm bảo kiểm sát đầy đủ các các phiên họp xét Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định, bảo đảm đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.
Thứ chín, duy trì quan hệ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm có liên quan đến ma túy. Đối với những vụ án có yếu tố nước ngoài, các đơn vị chú trọng thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật và VKSND tối cao.
Thứ mười, các Viện kiểm sát địa phương trên cơ sở số lượng án ma túy thụ lý hàng năm cần quan tâm, sắp xếp đội ngũ công chức, Kiểm sát viên có năng lực, phẩm chất, giàu kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có nhiệt huyết cho đơn vị, bộ phận làm án ma tuý, bảo đảm đủ biên chế để phục vụ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.