Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng vừa tiến hành trao đổi, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ với các cơ quan tố tụng hai cấp trong khu vực về 3 vụ án hình sự bị hủy án để điều tra lại do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Vụ án thứ nhất là năm 2016, Nguyễn Đình Quân bàn bạc với 4 đối tượng khác làm giả giấy chứng nhận đăng ký 4 xe ô tô. Thực tế, những xe ô tô đó là do Quân thuê của người khác. Sau đó, nhóm Quân đem giấy tờ giả đi cầm cố, lấy tiền chia nhau. Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo chiếm đoạt 4 xe ô tô có tổng giá trị gần 1,6 tỉ đồng.
Năm 2018 xảy ra vụ án tương tự. Cụ thể, Phan Hồng Chuẩn thuê 3 xe ô tô với mục đích sử dụng làm phương tiện đi giới thiệu sản phẩm phân bón. Sau đó, Chuẩn nảy sinh ý định chiếm đoạt, thuê người làm giả giấy tờ xe, hợp đồng mua bán xe có chứng thực. Có giấy tờ giả, Chuẩn đem đi cầm cố chiếm đoạt 650 triệu đồng.
Cả hai vụ án trên, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đều xác định các bị cáo phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
|
|
Thông báo rút kinh nghiệm vụ án Hồ Tấn Đạt và đồng phạm của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. |
Vụ án thứ ba: Trong ba năm liên tục, Lê Thị Hòa quảng cáo có nhiều mối quan hệ xã hội, có thể tác động xin việc làm, xin chuyển công tác cũng như xin vào học tại các trường Công an nhân dân. Nhiều gia đình tin tưởng, giao tiền nhờ Hòa lo giúp. Trong quá trình lừa đảo, Hòa sử dụng nhiều giấy tờ giả, gồm 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 giấy CMND Công an giả. Hòa mang những giấy tờ trên đi chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp để vay tiền. Theo kết quả điều tra, hai ngân hàng và 37 cá nhân đã bị thiệt hại gần 6,5 tỉ đồng từ các hành vi của Hòa. Sau đó, Hoà bị xét xử sơ thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi Tòa xét xử sơ thẩm, ba vụ án trên đều bị Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị phúc thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Và các kháng nghị này đều đã được cấp phúc thẩm chấp thuận tuyên huỷ án để điều tra, xét xử lại.
Theo cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. Tuy nhiên, việc cấp sơ thẩm không xem xét hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đối với các bị cáo là bỏ lọt tội phạm.
Hành vi của các bị cáo gây ra đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, tội phạm có hình phạt quy định tại Điều 267 BLHS năm 1999 (Điều 341 BLHS năm 2015). Do đó, hành vi làm giả giấy tờ của các bị cáo vừa là phương tiện, thủ đoạn phạm tội nhưng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm độc lập. Lẽ ra cần truy cứu thêm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đối với các bị cáo. Việc cấp sơ thẩm chưa xem xét là bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Xét xử không đúng khung hình phạt
Thông qua công tác giám đốc thẩm vụ án Hồ Tấn Đạt và đồng phạm về tội Đánh bạc, Phan Hùng Tiến về tội Gá bạc, bị HĐXX giám đốc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thấy cần thông báo đến các Viện Kiểm sát trong khu vực cùng nghiên cứu rút kinh nghiệm chung như sau:
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 150/2018/HS-ST ngày 19/6/2018 của TAND thành phố B, tỉnh Đ xử phạt các bị cáo: Trương Văn Anh 5 tháng tù; Phạm Thị Cúc 9 tháng tù; Nguyễn Văn Tâm 7 tháng tù; Trần Văn Hòa 7 tháng tù; Chế Quang Thụy 4 tháng tù, cùng về tội Đánh bạc. Áp dụng thêm Điều 60 BLHS năm 1999, xử phạt Hồ Tấn Đạt 12 tháng tù, Nguyễn Hữu Nhơn và Nguyễn Thanh Hiếu 9 tháng tù; Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Tấn, Lê Đức Tiến, Nguyễn Văn Kiên, Phan Tiến Đạt cùng 6 tháng tù, cho hưởng án treo về tội Đánh bạc; xử phạt bị cáo Phan Hùng Tiến 12 tháng tù về tội Gá bạc.
|
|
Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phan Hồng Chuẩn phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. |
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 284/2018/HSPT ngày 5/9/2018 của TAND tỉnh Đ, không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với bị cáo Phan Hùng Tiến.
Ngày 12/4/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án trên, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cùng cấp xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để xét xử lại. Sau đó, tại Quyết định giám đốc thẩm số 52/2019/HS-GĐT ngày 22/11/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.
Theo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên tuyên xử các bị cáo phạm tội Đánh bạc, Gá bạc là có căn cứ, đúng tội danh. Tuy nhiên, Tòa án hai cấp áp dụng khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xét xử các bị cáo là không đúng khung hình phạt. Bởi lẽ: khi bị cơ quan Công an bắt quả tang, thu giữ trong người bị cáo Hồ Tấn Đạt số tiền 42.650.000 đồng. Tại các bản tự khai vào các ngày 22 và 25/11/2017, Đạt đều khai mang theo và sử dụng hết số tiền 35 triệu đồng vào việc đánh bạc và có thắng khoảng 15 triệu đồng cho đến khi bị bắt quả tang. Ngày 1/12/2017, khi được tại ngoại và tiếp xúc với gia đình thì Đạt vẫn khai nhận mang trong người 35 triệu đồng và dùng hết vào việc đánh bạc, lúc thắng bị cáo còn cho các đối tượng khác mượn lại số tiền 7 triệu đồng và ông Hồ Bốn (cha bị cáo) chứng kiến việc lấy lời khai và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, sau đó Đạt thay đổi lời khai chỉ sử dụng 10 triệu đồng vào việc đánh bạc, còn 25 triệu đồng bị cáo không sử dụng vào đánh bạc mà để trả nợ. Tuy nhiên, bị cáo không có căn cứ để chứng minh nội dung thay đổi lời khai sau đó của mình.
Đối với bị cáo Phan Tiến Đạt, khi bị bắt quả tang, bị cáo bị thu giữ số tiền 13.800.000 đồng và khai báo là bị cáo chỉ dùng 100.000 đồng để đặt cược 1 ván, còn 13.700.000 đồng không dùng vào việc đánh bạc. Tuy nhiên, sau đó bị cáo khai nhận toàn bộ số tiền trên bị cáo sử dụng hết vào mục đích đánh bạc. Bị cáo Hồ Tấn Đạt cũng khai nhận khi rủ rê có nói rõ mục đích đánh bạc thì Phan Tiến Đạt đồng ý tham gia và trực tiếp nhìn thấy Phan Tiến Đạt đặt cược nhiều ván.
Do đó, phải xác định toàn bộ số tiền 35 triệu đồng của bị cáo Hồ Tấn Đạt và 13.700.000 đồng của bị cáo Phan Tiến Đạt mang theo là dùng vào việc đánh bạc. Như vậy, tổng số tiền đánh bạc của cả vụ án nêu trên là 84.010.000 đồng, nên hành vi của các bị cáo phải bị truy tố, xét xử theo khoản 2 Điều 248 BLHS mới đúng với tính chất của vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa phân tích đánh giá đúng tính chất vụ án, xác định sai số tiền dùng vào việc đánh bạc, chưa nghiên cứu kỹ các chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án dẫn đến xét xử các bị cáo mức án nhẹ, không đúng khung hình phạt, chưa đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm.