Phân công theo nguyên tắc ngẫu nhiên cho các Thẩm phán xem xét, giải quyết
Để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND tối cao, Chánh án TAND tối cao yêu cầu Thẩm phán và các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung được nêu tại Công văn này.
Theo đó, việc thụ lý đơn đề nghị, văn bản kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại Văn phòng TAND tối cao được thực hiện theo quy định về xử lý đơn ban hành kèm theo Quyết định số 625/QĐ-CA ngày 6/9/2016 và Quyết định số 137/QĐ-CA ngày 24/8/2018 của Chánh án TAND tối cao.
Đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TAND tối cao, trên cơ sở các vụ việc được thụ lý, Văn phòng lập danh sách để trình Chánh án TAND tối cao phân công theo nguyên tắc ngẫu nhiên cho các Thẩm phán xem xét, giải quyết các vụ việc theo các Tổ Thẩm phán.
Đối với các đơn trùng (vụ việc Chánh án đã phân công Thẩm phán giải quyết) thì Văn phòng chuyển đơn cùng các tài liệu kèm theo cho các Vụ Giám đốc kiểm tra để xem xét, giải quyết.
Ngay sau khi Chánh án TAND tối cao quyết định phân công giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho các Thẩm phán, Văn phòng thông báo và gửi bản phân công, các đơn, văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các tài liệu kèm theo đến Thẩm phán được phân công. Đồng thời, gửi bản phân công nêu trên đến các Vụ Giám đốc kiểm tra theo loại việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để theo dõi. Văn phòng cập nhật các thông tin của vụ việc lên phần mềm dùng chung, liên thông giữa Văn phòng, các Vụ Giám đốc kiểm tra và Thẩm phán.
Sau khi nghiên cứu đơn, văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì Thẩm phán chuyển các đơn này đến các Vụ Giám đốc kiểm tra theo loại việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và đôn đốc Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ sau:
Phân công 1 Thẩm tra viên thuộc nhóm của Thẩm phán phụ trách nghiên cứu giải quyết đơn và 1 lãnh đạo Vụ phụ trách vụ việc theo nhóm.
Soạn thảo văn bản rút hồ sơ nghiên cứu, tham mưu giải quyết đơn.
|
|
Quang cảnh xét xử một vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ) |
Đối với vụ việc do Văn phòng đã thụ lý và chuyển đến, qua rà soát thấy rằng vụ việc đã có kết quả giải quyết hoặc các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ việc đã có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị mà không có tình tiết mới, thì Thẩm phán chuyển lại cho Văn phòng để xóa sổ thụ lý.
Sau khi phân công Thẩm tra viên nghiên cứu và lãnh đạo Vụ phụ trách từng vụ việc, Vụ Giám đốc kiểm tra có trách nhiệm chuyển bản phân công cho Thẩm phán để theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn của lãnh đạo Vụ và Thẩm tra viên.
Các Vụ Giám đốc kiểm tra, lãnh đạo Vụ phụ trách từng vụ việc, Thẩm tra viên nghiên cứu đơn có trách nhiệm báo cáo Thẩm phán về tiến độ giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Thẩm phán được phân công theo yêu cầu của Thẩm phán.
Thẩm phán có trách nhiệm đôn đốc các Vụ Giám đốc kiểm tra giải quyết các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà mình được phân công và chịu trách nhiệm trước Chánh án về tiến độ giải quyết các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được phân công giải quyết.
Xem xét, giải quyết các vụ án có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao
Về việc phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết các vụ án có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao, Công văn nêu rõ: Hàng ngày, các Vụ Giám đốc kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp thông tin các vụ án có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao (theo biểu mẫu kèm theo) gửi về Văn phòng TAND tối cao kèm theo bản photocopy quyết định kháng nghị giám đốc thẩm để Văn phòng trình Chánh án TAND tối cao phân công Thẩm phán giải quyết.
Văn phòng lập danh sách các vụ án có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao để trình Chánh án TAND tối cao phân công theo nguyên tắc ngẫu nhiên cho các Thẩm phán xem xét, giải quyết các vụ việc theo các Tổ Thẩm phán.
Ngay sau khi Chánh án TAND tối cao quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, Văn phòng thông báo và gửi kèm theo bản phân công và bản sao các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đến Thẩm phán được phân công. Đồng thời, thông báo việc phân công đến các đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao - Tổ trưởng Tổ Thẩm phán giải quyết án để chỉ đạo và thông báo cho Vụ Giám đốc kiểm tra để biết, thực hiện.
Văn phòng cập nhật các thông tin của vụ việc lên phần mềm dùng chung, liên thông giữa Văn phòng, các Vụ Giám đốc kiểm tra và Thẩm phán.
Sau khi được phân công giải quyết vụ án, Thẩm phán chỉ đạo Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra phân công Thẩm tra viên nghiên cứu, xây dựng Tờ trình giải quyết án và 1 lãnh đạo Vụ phụ trách vụ việc.
Sau khi phân công Thẩm tra viên nghiên cứu và lãnh đạo Vụ phụ trách từng vụ việc, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra có trách nhiệm chuyển bản phân công cho Thẩm phán để theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.
Thẩm phán có trách nhiệm đôn đốc các Vụ Giám đốc kiểm tra giải quyết các vụ án có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND tối cao mà mình được phân công và chịu trách nhiệm trước Chánh án về tiến độ giải quyết các vụ án được phân công.
Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra, lãnh đạo Vụ phụ trách từng vụ việc, Thẩm tra viên nghiên cứu giải quyết án có trách nhiệm báo cáo Thẩm phán về tiến độ giải quyết các vụ án mà Thẩm phán được phân công theo yêu cầu của Thẩm phán.
TAND tối cao đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện nội dung Công văn nêu trên. Các quy định khác về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 625/QĐ-CA ngày 6/9/2016 và Quyết định số 137/QĐ-CA ngày 24/8/2018 của Chánh án TAND tối cao không trái với hướng dẫn tại Công văn này tiếp tục có hiệu lực thi hành. |