TAND tối cao đang dự thảo (lần 3) dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 151 điều. Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

 Quy định nội hàm quyền tư pháp

Nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; đồng thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27- NQ/TW đề ra “cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”; “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, Điều 2 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về nội hàm quyền tư pháp.

Theo đó, “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.” 

Bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (các Điều 3, 15, 26, 28, 29), dự thảo Luật bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là: (1) Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật; (2) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử; không quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong  việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà xét xử vụ án hình sự trực tuyến (tại điểm cầu trung tâm). (Ảnh minh hoạ)

Về bổ sung 2 nhiệm vụ mới: Dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ mới là “Toà án có thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” tại khoản 4 Điều 26 dự thảo nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp “mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính” được Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra.

Dự thảo Luật bổ sung quy định Tòa án có nhiệm vụ “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” tại Điều 3 và Điều 29. 

Theo đó, Tòa án giải thích việc áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử, làm rõ trong bản án, quyết định về nội dung của quy định pháp luật được áp dụng trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.

Bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa

Về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa: Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. 

Toà án là cơ quan xét xử nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sau đó lại xét xử vụ án do mình khởi tố sẽ không vô tư, khách quan, làm thay cơ quan hành pháp, không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng và trên thực tế là không hiệu quả. 

Sửa đổi theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án: Điều 15 dự thảo luật được sửa đổi theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan và xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập. 

Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, để Tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra, thực sự tôn trọng nguyên tắc tranh tụng và “việc dân sự cốt ở đôi bên”. 

Để tạo thuận lợi cho đương sự, người tham gia tố tụng khác trong quá trình giải quyết, xét xử vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án sẽ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc. Tòa án hỗ trợ các đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa  án trong sạch, vững mạnh, Dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung mới nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát đối với Thẩm phán. Cụ thể bổ sung những quy định sau: (1) Nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị với Tòa án theo quy định của pháp luật; (2) Pháp điển hóa Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; (3) Việc tham gia của nhân dân và truyền thông trong xét xử; (4) Tòa án thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác theo quy định của pháp luật; (5) Trách nhiệm của Thẩm phán; (6) Những việc Thẩm phán không được làm; (7) Xử lý Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án vi phạm pháp luật.

P.V