Kiểm sát văn bản - công tác hết sức cần thiết để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa

Trong hai ngày 26 và 27/12/1969, đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thảo luận về báo cáo của hai ngành Toà án nhân dân và VKSND. Kết luận về công tác kiểm sát, đồng chí Trường Chinh phát biểu những vấn đề quan trọng có tính chất chỉ đạo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến kiểm sát văn bản.

Theo đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của các cơ quan nhà nước cùng cấp và đã phát hiện những vi phạm pháp luật trong một số văn bản của các cơ quan ấy, nhất là ở cấp Trung ương.

Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: Việc kiểm sát những văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp, đặc biệt kiểm sát những văn bản của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ như của các bộ hay cơ quan ngang bộ là một công tác hết sức cần thiết để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Quan điểm chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh có ý nghĩa lớn đối với công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, không những chỉ ra tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc ban hành văn bản mà còn tạo cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan nhà nước khác. 

Năm 1970, đế quốc Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc. Địa bàn hoạt động chủ yếu của máy bay địch vẫn là phía nam Khu IV cũ, mục tiêu đánh phá chính vẫn là giao thông vận tải. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt trận sản xuất, đầu năm 1970, cuộc vận động lao động sản xuất được phát động, nhằm động viên mọi lực lượng lao động sản xuất của toàn xã hội, bảo đảm mọi người làm việc và lao động sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhằm tăng nhanh sản phẩm xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, cải thiện từng bước đời sống nhân dân. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng trong giờ nghỉ giải lao tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa II. (Ảnh: tư liệu)

Ngày 17/3/1970, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 197-NQ/TW về cuộc vận động phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng xã viên ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nhằm tăng cường đoàn kết nông thôn, phát huy dân chủ, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiếp tục công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp, củng cố và không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. 

Năm 1970, các cấp, các ngành có những cố gắng trong việc chấn chỉnh quản lý kinh tế, điều chỉnh và bổ sung các chính sách, vận dụng các đòn bẩy kinh tế. Những mặt công tác nói trên tuy chưa được thực hiện đồng bộ và hệ thống nhưng đã có tác dụng tích cực. Nền kinh tế miền Bắc bắt đầu có chuyển biến tốt, một số nhân tố tích cực mới xuất hiện, mở ra triển vọng cho những năm sau. 

Ngày 18/4/1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 176-CT/TW về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, thanh tra và giải quyết các vụ khiếu nại, tố giác. 

Ban Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra trong từng địa phương và từng ngành; phải đồng thời tăng cường cả công tác kiểm tra Đảng, công tác kiểm sát và công tác thanh tra của chính quyền. Chỉ thị nhấn mạnh mỗi ngành kiểm tra Đảng, kiểm sát, thanh tra của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng muốn cho công tác kiểm tra trên nhiều mặt đó ăn khớp với nhau và đạt được kết quả tốt, các cấp uỷ đảng phải tổ chức sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra Đảng và kiểm sát, thanh tra của Nhà nước, giữa công tác kiểm tra, thanh tra của các cấp uỷ đảng, của uỷ ban hành chính và của từng ngành chuyên môn ở địa phương. 

Phát huy chức năng kiểm sát một cách toàn diện và vững chắc

Nhằm thực hiện các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từ ngày 26/3 đến ngày 4/4/1970, ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 1969 và xác định phương hướng công tác năm 1970. Hội nghị xác định mục tiêu phấn đấu của toàn ngành là phát huy chức năng kiểm sát một cách toàn diện và vững chắc, xây dựng và bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao từng bước đời sống nhân dân, củng cố vững mạnh hậu phương, bảo đảm chi viện tốt cho tiền tuyến. Hội nghị đề ra những nhiệm vụ lớn của công tác kiểm sát phục vụ các mặt hoạt động kinh tế, bảo vệ trị an xã hội và an ninh, phục vụ quốc phòng. 

Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành nhiều chỉ thị quan trọng định hướng hoạt động cho toàn ngành. Ngày 10/8/1970, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 07/CT về công tác kiểm sát phục vụ việc tăng cường công tác quản lý xã hội, giữ gìn trật tự trị an và tiếp tục xây dựng nếp sống mới ở thành phố, thị xã, xác định bảo vệ trật tự trị an xã hội là một bộ phận của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; vấn đề bảo vệ trị an và giữ vững an ninh ở miền Bắc có mối quan hệ khăng khít và tác động lẫn nhau. 

Ngày 10/8/1970, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 08/CT-V8 về công tác kiểm sát phục vụ các cuộc vận động lớn của Đảng trong năm 1970, Chỉ thị nêu rõ, cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp chế xã hội chủ nghĩa cho cán bộ và nhân dân, đấu tranh chống những vi phạm và tội phạm, nhất là tội phạm trong chấp hành các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính, các vi phạm về chế độ trách nhiệm, các tội phạm xâm phạm đến sở hữu xã hội chủ nghĩa và tài sản xã hội chủ nghĩa, tội liên quan đến chức vụ. Nâng cao chất lượng của nghiệp vụ kiểm sát phục vụ các phong trào, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ kiểm sát. 

Để tăng cường việc lãnh đạo tập trung thống nhất, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, năm 1970, VKSND tối cao có nhiều cố gắng nhằm quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị và cá nhân trong Viện, cho thấy một phần nguyên nhân quan trọng của những tồn tại và thiếu sót ở các Viện kiểm sát địa phương là do trách nhiệm của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, nhất là về chỉ đạo và xây dựng nghiệp vụ, về mặt quản lý án, quản lý việc, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình. 

Ngành kiểm sát bước đầu kết hợp việc đấu tranh phát hiện những vi phạm từ bên dưới với việc đấu tranh giải quyết những sai lầm từ bên trên và càng ngày càng thấy rõ nhiệm vụ khắc phục những quan điểm sai lầm về tư tưởng, chính sách và về pháp chế của các ngành quản lý bên trên là có ý nghĩa quyết định để việc đảm bảo pháp chế được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất. 

Năm 1970, qua chỉ đạo trọng điểm kết hợp với toàn diện, VKSND tối cao rút ra được một số kinh nghiệm về tiến hành kiểm sát trong nông nghiệp, phục vụ việc đưa điều lệ vào hợp tác xã nông nghiệp, phục vụ cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, cùng một số kinh nghiệm về các khâu nghiệp vụ khác, phổ biến trong toàn ngành. Vận dụng kinh nghiệm của VKSND tối cao, nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành phố đã lập kế hoạch công tác có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng một cách đúng đắn đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương mình, khắc phục hiện tượng làm lan man; đồng thời đi sát công tác các khu phố, huyện, thị. 

Một số Viện kiểm sát miền núi tăng cường hoạt động và có một số tiến bộ (Lạng Sơn, Bắc Thái, Lai Châu). Nhiều Viện kiểm sát huyện, thị đã phát huy chức năng của mình ở cấp cơ sở, vận dụng tốt phương hướng của ngành, phát hiện nhiều quan điểm không đúng, nhiều vi phạm của các cấp ngành sai trái pháp luật và một số văn bản pháp quy trái với pháp luật, kịp thời làm tham mưu cho cấp uỷ và báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên để kháng nghị, kiến nghị khi cần thiết. 

Việc kết hợp các khâu công tác trong đấu tranh chống vi phạm và tội phạm ở một số Viện kiểm sát tỉnh, thành phố đã được chú ý hơn, do đó đã phát huy được tương đối toàn diện chức năng kiểm sát, đồng thời tăng cường được hiệu lực của công tác kiểm sát đối với việc bảo vệ chế độ quản lý kinh tế dân chủ và trật tự trị an xã hội. 

Năm 1970, VKSND tối cao kỷ niệm 10 năm thành lập và hoạt động. Trong 10 năm (1960 - 1970), ngành Kiểm sát đã xác định nhiệm vụ bảo vệ kinh tế xã hội chủ nghĩa và bảo vệ quyền làm chủ tập thể của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, đồng thời coi trọng nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an và trấn áp phản cách mạng; luôn luôn chú ý phục vụ nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong từng giai đoạn; phát hiện và ngăn ngừa những hiện tượng vi phạm pháp luật, đồng thời đi sâu tìm ra những quan điểm, chủ trương sai trái để đề ra những kiến nghị, khắc phục và phòng ngừa; chủ động đề xuất với ngành Công an, Toà án một số vấn đề nhằm tăng cường hiệu lực của pháp luật trong quản lý kinh tế, trong giữ gìn trị an xã hội, bảo vệ an ninh. Ngành cũng bước đầu đúc rút được một số bài học, kinh nghiệm về công tác kiểm sát và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố cơ bản quyết định sự trưởng thành và mọi thắng lợi của ngành Kiểm sát nhân dân.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL