Phần thưởng cao quý
Năm 1968 là năm động viên cao độ sức mạnh cả nước cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Ngành kiểm sát cùng các ngành công an, tòa án, được giao điều tra một số vụ án lớn và nghiêm trọng ở một số lĩnh vực; phối hợp với Đảng đoàn Bộ Công an và Đảng đoàn Tòa án nhân dân tối cao họp liên tịch tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng.
Trong phong trào thi đua chung của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Bắc, ngày 2/10/1968, VKSND các địa phương như: Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Bắc, Nam Hà, Yên Bái vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, ghi nhận công lao của cán bộ ngành kiểm sát nhân dân. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đánh giá đó là những phần thưởng cao quý, khẳng định sự trưởng thành và xác nhận những thành tích của ngành kiểm sát nhân dân từ khi thành lập, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Về tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát quân sự, tháng 8/1967, đồng chí Nguyễn Văn Nam được cử giữ chức Phó Viện trưởng VKSND tối cao kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương. Trong thời kỳ miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và đẩy mạnh chống chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ tại miền Nam, ngành kiểm sát quân sự tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh, chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Trong cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, ngành kiểm sát nhân dân đã chuyển hướng kịp thời về tư tưởng và tổ chức, trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa chiến đấu và chiến thắng cuộc Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất do đế quốc Mỹ tiến hành từ năm 1965 đến năm 1968 đã gây cho miền Bắc những tổn thất nặng nề. Hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn, các trung tâm kinh tế, văn hoá, hệ thống giao thông vận tải bị đánh phá. Có những thị xã, thị trấn gần như bị san bằng như: Đồng Hới, Ninh Bình, Phủ Lý, Yên Bái, Hồ Xá. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, thôn xóm bị thiệt hại nặng nề vì bom đạn Mỹ. Thiệt hại về người, về nguồn nhân lực cho chiến tranh hết sức to lớn, hàng vạn người chết và bị thương, trong đó có nhiều nhà chuyên môn giỏi: bác sĩ, kỹ sư, người quản lý, công nhân kỹ thuật, giáo viên. Chiến tranh phá hoại đã làm đảo lộn cuộc sống và nếp lao động của xã hội miền Bắc, gây hậu quả lớn về các mặt quản lý kinh tế, xáo trộn tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, tổ chức vận tải.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ khẩn cấp nhất của miền Bắc là phải nhanh chóng tranh thủ những thuận lợi mới trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ phải tạm ngừng ném bom, để khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục và phát triển một bước nền kinh tế quốc dân, sớm ổn định tình hình, tăng cường lực lượng cho cách mạng miền Nam. Cuộc chiến đấu chống Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh đòi hỏi hậu phương miền Bắc phải cố gắng gấp bội.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Trung Quốc nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: tư liệu) |
Đối với nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước chủ trương tập trung sức phát triển mạnh kinh tế địa phương, đẩy mạnh việc khôi phục, phát triển một số ngành công nghiệp Trung ương, xúc tiến một bước việc cải tiến quản lý kinh tế. Đi đôi với việc phát triển sản xuất, cần đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, tổ chức tốt đời sống, đẩy mạnh phong trào “vì miền Nam ruột thịt”.
Nghị quyết khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc trong tình hình mới
Ngày 28/10/1968, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc trong tình hình mới.
Ngày 28/4/1969, VKSND tối cao đề ra Chương trình công tác năm 1969, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: đúc kết công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, ngân hàng…; cùng với Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao thống nhất phương hướng và đường lối truy tố, xét xử các tội vì tư lợi mà lạm quyền làm sai chức trách chế độ và tội hối lộ; phối hợp hoàn thành 2 dự thảo Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản nhà nước và Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân; nghiên cứu dự thảo Pháp lệnh về quản lý trị an, trình Ban Bí thư cho ý kiến giải quyết vấn đề lập quỹ đen, làm giàu phi pháp, làm nhà tư bằng vật liệu công...; rút kinh nghiệm về việc thực hiện Thông tư số 427-TTLB; tổng kết 10 năm hoạt động công tác kiểm sát.
Hằng năm, khi triển khai công tác cho toàn ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt chú trọng đến việc tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, chú trọng phát hiện các vi phạm pháp luật trong công tác quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa... Ngành kiểm sát chủ trương lấy việc phục vụ nông nghiệp làm trung tâm; ở các tỉnh miền núi thì phục vụ nông nghiệp và phục vụ lâm nghiệp, còn ở thành phố và khu công nghiệp thì trung tâm là phục vụ công nghiệp và thủ công nghiệp, trị an xã hội và tổ chức đời sống. Ở Cảng Hải Phòng và các tỉnh thuộc Khu IV cũ thì lấy việc phục vụ giao thông vận tải làm trung tâm đột xuất. Để việc chỉ đạo tập trung, VKSND tối cao tổng hợp những vi phạm của một số ngành để làm kiến nghị sửa chữa và báo cáo lên Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Trong khi quân và dân miền Bắc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế sau Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất với nhiều phong trào thi đua rộng khắp thì ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu qua đời. Đây là một tổn thất vô cùng lớn lao, một nỗi đau thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân ta bản Di chúc lịch sử. Để biến đau thương thành sức mạnh, từ đó tăng thêm quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng, ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có cán bộ, công chức ngành kiểm sát nhân dân phấn đấu làm theo Di chúc của Người, mong muốn góp phần đưa cách mạng nước ta nhanh chóng đến thắng lợi.
Tờ nội san Công tác kiểm sát - cơ quan ngôn luận của ngành kiểm sát nhân dân, số tháng 9/1969 đăng bài Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bài viết nhắc đến nhiều kỷ niệm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành kiểm sát nhân dân và khẳng định: “Trong giờ phút đau thương này, mỗi cán bộ, công nhân viên ngành kiểm sát nhân dân nguyện triệt để thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng, hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Trung ương Đảng, dũng cảm tiến lên, tiếp thu sự nghiệp của Hồ Chủ tịch, noi gương Người suốt đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội...”.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).