Theo VKSND tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian từ 1/1/2022 đến 31/7/2023, các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, thụ lý 6 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là cà phê bột. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, điều tra 6 vụ án/7 bị can về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”, quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã truy tố 2 vụ/3 bị can, Tòa án đã đưa ra xét xử 2 vụ/3 bị cáo. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm được phát hiện, thu giữ lên đến hơn 3,5 tỉ đồng.
|
|
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê bột. |
Điển hình như: Vụ sản xuất cà phê bột giả xảy ra tại thôn 16, xã Hòa Khánh, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ các sản phẩm cà phê bột mang nhãn hiệu Lozio coffee do Doãn Thị Minh Huệ, sinh năm 1978, trú tại thôn 16, xã Hòa Khành, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là chủ Hộ kinh doanh Cẩm Dương Lozio sản xuất và sản phẩm cà phê bột mang nhãn hiệu Việt Hoàng coffee, do Doãn Thị Minh Huệ sản xuất gia công cho Lê Văn Vũ (SN 1985, địa chỉ tại Thôn 12, xã Hòa Khánh, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) theo công thức của Vũ.
Các sản phẩm này trên bao bì đều công bố có hàm lượng cafeine đạt tối thiểu 1%, thành phần sản phẩm gồm các loại cà phê như Arabica, Robusta, Moka, Catimor…. Tuy nhiên, thực tế thành phần chính được các đối tượng sử dụng để sản xuất cà phê bột gồm đậu nành, bơ công nghiệp, hóa chất tạo màu caramel, muối, nước mắm, hóa chất tạo mùi cà phê và một số lượng nhỏ hạt cà phê thật. Qua giám định xác định, hàm lượng caffeine có trong các sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Lozio coffee và Việt Hoàng coffee chỉ đạt từ 0,08% đến 0,23% (thấp hơn 70% so với công bố và TCVN), theo quy định pháp luật thì đây là hàng giả.
Cá biệt còn có vụ các đối tượng sản xuất cà phê bột giả ở tỉnh khác, sau đó đưa đến tỉnh Đắk Lắk để tiêu thụ.
Điển hình Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 76C - 136.71 do Ngô Công Sơn (SN 1987) và Trịnh Ngọc An (SN 1999), cùng trú tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là tài xế điều khiển xe và nhân viên bán hàng đang giao dịch bán 120 gói (loại 500gram/gói) cà phê nhãn hiệu Nhật Nguyên, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho bà Phạm Thị Hương Nga (SN 1972, trú tại Số 51 Xuân Hòa, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk). Kiểm tra trên xe phát hiện 1.122 gói cà phê nhãn hiệu Nhật Nguyên, Tân Nhật Nguyên, khối lượng 561kg đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Các đối tượng khai nhận, toàn bộ số cà phê bột trên trên được sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ, địa chỉ B3/2K8 ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, sau đó vận chuyển đi bán tại các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định theo chỉ đạo của ông Trương Cao Kỳ (SN 1978, thường trú: 354/47/16 QL1A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) là Giám đốc.
Qua khám xét đã phát hiện có 12.830 gói cà phê bột các nhãn hiệu: Tân Nhật Nguyên S1, S2; Nhật Nguyên 1, 2, 3; Nhật Nguyên Hương vị cà phê Việt Chồn, trên bao bì ghi thành phần sản phẩm gồm các loại cà phê Arabica, Robusta, Moka… Hàm lượng cafeine từ 1% đến 2%. Thực tế hàm lượng caffeine trong sản phẩm, có loại có hàm lượng caffein đạt từ 0,0021% đến 0,11%, thấp hơn 70% so với hàm lượng cafeine đăng ký công bố chất lượng trên nhãn bao bì.
Các đối tượng khai nhận, để sản xuất ra các sản phẩm cà phê bột, các đối tượng đã thực hiện theo công thức tỷ lệ sử dụng 70% là đậu nành, 10% là bắp và 20% là cà phê, có loại không có thành phần là cà phê, thêm bơ công nghiệp, hương liệu, chất tạo màu… rang xay, đóng gói và xuất bán đi các tỉnh. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam đối với các bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự, hiện vụ án đang trong giai đoạn điều tra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm, tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả là cà phê bột nêu trên, trong đó có công tác quản lý nhà nước, phát hiện, xử lý vi phạm về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cà phê bột có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả; Vẫn còn tồn tại các cơ sở sản xuất cà phê bột trái phép với diện tích rộng, cùng máy móc, thiết bị lớn, không đảm bảo về các điều kiện sản xuất, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến hậu quả: Trong nhiều năm qua, đã có nhiều sản phẩm cà phê giả, thậm chí có cả sản phẩm của một số thương hiệu lớn, lâu đời trên địa bàn tỉnh đã được bán ra thị trường với số lượng lớn cho người tiêu dùng...
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm, tội phạm, khắc phục các sơ hở trong công tác quản lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, môi trường kinh doanh và ngành Cà phê của tỉnh nói chung, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo một số nội dung.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị quyết 24/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và các văn bản có liên quan. Trong đó, đề ra các giải pháp, định hướng phát triển đối với ngành hàng cà phê, quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở, Ban, Ngành trong việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, quy định pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội có liên quan đến ngành hàng cà phê.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Y tế, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, nhất là đối với các cơ sở sản xuất cà phê bột.
Chỉ đạo, yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thẩm quyền theo dõi chặt chẽ, thường xuyên xác minh, kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đối với các mặt hàng cà phê bột trên địa bàn tỉnh nhằm xử lý triệt để tình trạng vận chuyển, sản xuất, buôn bán cà phê giả, kém chất lượng trên thị trường, từ đó hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham mưu xây dựng tài liệu về các nội dung hướng dẫn cách nhận biết cà phê bột giả, cách kiểm tra, đánh giá nhanh về chất lượng cà phê để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh, các quán cà phê…
Có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán cà phê bột giả.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong hoạt động cung cấp tài liệu, trả lời ý kiến chuyên môn, giám định tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm nói chung, cà phê bột giả nói riêng.