Theo nội dung vụ án: Vợ chồng cụ P.V.T. và cụ T.T.T. có 8 người con, trong đó con trai cả là ông P.T.T., con trai thứ là ông P.V.T. Khi còn sống, cụ P.V.T. và cụ T.T.T. tạo dựng được thửa đất có diện tích là 1982m2 tại Khu 4, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành. Năm 2006, hai cụ qua đời, không để lại di chúc. Hiện nay, thửa đất trên do bà L.T.Q. (vợ của ông P.T.T.) đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Anh chị em trong gia đình đã bàn bạc sẽ phân chia di sản thừa kế của bố mẹ theo quy định của pháp luật nhưng bà Q. không đồng ý vì cho rằng chồng bà là con trai cả nên phải được thừa hưởng hết.
|
|
TAND tỉnh tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. (Ảnh minh họa)
|
Ông P.V.T. khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế của bố mẹ ông theo quy định của pháp luật. Ngày 28/4/2023, TAND huyện Thạch Thành đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của ông P.V.T. đối với di sản thừa kế của 2 cụ thân sinh để lại.
Tuy nhiên, quá trình kiểm sát bản án dân sự sơ thẩm, VKSND tỉnh Thanh Hóa nhận thấy bản án sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng sau:
1. Thu thập chứng cứ chưa đầy đủ: Trong quá trình chung sống, cụ P.V.T. và cụ T.T.T. tạo dựng được thửa đất có diện tích là 1982m2 tại Khu 4, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành. Năm 2006, hai cụ qua đời, không để lại di chúc, hiện thửa đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Thạch Thành không tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ là hồ sơ địa chính qua từng thời kỳ để xác định nguồn gốc đất, không thu thập tài liệu chứng cứ tại UBND huyện Thạch Thành để xác định loại đất mà căn cứ vào Biên bản xác minh tại UBND xã Thạch Bình để xác định “thửa đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu nên không xác định được số m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm là bao nhiêu”, đồng thời tiến hành chia di sản thừa kế đối với diện tích đất này là vi phạm trong việc thu thập, xác định và đánh giá chứng cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
2. Xác định giá trị quyền sử dụng đất không có căn cứ: Mặc dù không thu thập đủ chứng cứ để xác định loại đất của thửa đất là di sản thừa kế, nhưng “Hội đồng xét xử xác định giá trị thửa đất theo giá đất trồng cây lâu năm, thửa đất có giá trị là 32.405.400 đồng”; đồng thời lấy giá trị này làm cơ sở để tính chênh lệch hiện vật các đương sự phải thanh toán cho nhau và làm cơ sở quyết định nghĩa vụ án phí là không có căn cứ, đã xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước về án phí.
Từ những vi phạm nghiêm trọng trên, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm.
Kết quả, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh, tuyên hủy toàn bộ bản án để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm./.