Tin từ VKSND tỉnh Nghệ An cho biết, VKSND huyện Nghi Lộc vừa ban hành kiến nghị, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo, phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện, Công an huyện, Cung đường sắt Cầu Cấm - Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, Ga Mỹ Lý triển khai các giải pháp để phòng ngừa tình trạng tại nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn huyện Nghi Lộc.
Trước đó, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm về tai nạn giao thông, VKSND huyện Nghi Lộc nhận thấy tình hình tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại địa phương tương đối nhiều, xuất hiện "điểm đen" TNGT đường sắt. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, tại điểm giao nhau giữa đường sắt Bắc Nam với đường dân sinh tại Km 299+600m thuộc địa phận xóm 2, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã liên tục xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt giữa tàu hỏa và các phương tiện giao thông đi trên đường dân sinh, đã làm chết 04 người, bị thương nặng 5 người, làm hư hỏng nặng 3 xe ô tô và 1 xe mô tô, thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng. Cụ thể:
|
|
Kiểm sát viên VKSND huyện Nghi Lộc kiểm sát việc khám nghiệm phương tiện TNGT. |
Qua công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm phương tiện và nghiên cứu hồ sơ các tin báo, vụ án, xác định một số nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông tại địa điểm này chủ yếu là do:
- Hiện trường vụ TNGT là khu vực giao nhau giữa tuyến đường sắt Bắc Nam với đường ngang dân sinh đi vào xã Nghi Yên. Đường dân sinh được rải nhựa bằng phẳng nhưng khoảng cách hành lang giữa đường bộ và đường sắt quá gần (Chỉ 3 mét) và dốc (Khoản 3 Điều 25 Luật Giao thông đường bộ quy định:“... người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất…”). Khu vực nơi đường giao nhau có hệ thống biển báo hiệu đường bộ, tầm nhìn thông thoáng, không bị che khuất nhưng không có đèn tín hiệu, không có rào chắn và không có chuông báo hiệu.
- Lái xe lưu thông trên đường ngang dân sinh đến nơi giao nhau với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu nhưng thiếu chú ý quan sát, không dừng lại khi có phương tiện đường sắt đang đi tới dẫn đến tai nạn giao thông, vi phạm khoản 4 Điều 25 Luật Giao thông đường bộ.
- Đối với người điều khiển tàu: Mặc dù lái tàu phát hiện có phương tiện đi qua đường sắt trên đường ngang dân sinh nên đã kéo còi cảnh báo và hãm phanh cho tàu dừng lại nhưng do cự ly quá gần nên đoàn tàu vẫn va chạm vào phương tiện giao thông đang băng qua.
- Hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chuyên trách như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông có lúc, có nơi còn chưa tiến hành thường xuyên, liên tục, việc xử lý vi phạm chưa triệt để; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông còn chưa được chú trọng, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú.
Để góp phần ổn định tình hình, kiềm chế, giảm thiểu TNGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn huyện nói chung và tại điểm giao nhau giữa đường sắt Bắc Nam với đường dân sinh tại Km 299+600m thuộc địa phận xóm 2, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc nói riêng, Viện trưởng VKSND huyện Nghi Lộc đã ban hành kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đề nghị chỉ đạo, phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện, Công an huyện, Cung đường sắt Cầu Cấm (Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh), Ga Mỹ Lý; trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, tổ chức chỉ đạo, triển khai một số giải pháp phòng ngừa cụ thể sau::
1. Chỉ đạo UBND xã Nghi Yên tiến hành cắt cử người trực gác tại điểm giao nhau giữa đường ngang dân sinh với đường sắt Bắc Nam tại Km 299+600m, địa phận xóm 2, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.
2. UBND huyện chỉ đạo, phối hợp với UBND xã Nghi Yên và Cung đường sắt Cầu Cấm có kế hoạch, phương án huấn luyện nghiệp vụ, cung cấp dụng cụ và trang thiết bị (Cờ, đèn hiệu, còi…), báo giờ tàu chạy, hỗ trợ một phần kinh phí cho lực lượng trực gác; Hoặc lắp đặt hệ thống cần chắn cảnh báo tự động tại điểm giao nhau tại địa điểm nêu trên. Phối hợp rà soát các "Điểm đen" giao cắt giữa đường bộ và đường sắt để kịp thời bổ sung các biển báo, đèn tín hiệu, xử lý cao độ đường ngang... Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường vượt, đường gom tại địa bàn xã Nghi Yên.
3. Chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với ngành đường sắt rà soát lại các đường ngang, lối dân sinh tự mở… kiên quyết không để phát sinh thêm. Đồng thời lập kế hoạch, lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép, các lối dân sinh tự mở (Nếu có). Đối với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường sắt, sau khi bị xử lý, bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp nhận quản lý mà vẫn tái phạm, cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho địa phương.
4. Chỉ đạo các ngành, các đoàn thể, trường học và chính quyền địa phương ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Tuyên truyền sâu rộng tới các cụm dân cư, đoàn thể quần chúng nhân dân, trong các công ty và trong các trường học để công nhân, học sinh và Nhân dân trên địa bàn hiểu biết và có biện pháp tự phòng tránh. Tuyên truyền giáo dục để Nhân dân có ý thức tự giác khi tham gia giao thông như: Tuân thủ tín hiệu đèn, hiệu lệnh của người gác chắn, không vượt gác chắn (Tại các điểm đường ngang có gác chắn); không cố vượt khi tàu sắp chạy qua, có ý thức quan sát trước khi vượt qua đường sắt.
Sau khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đã tiếp thu và tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa đã nêu trên.