Chỉ xử phạt 2 tỉ đồng

Theo nội dung vụ án, từ ngày 19/7/2017 đến 25/9/2017, Vũ Trần Đức Duy (SN 1974, trú quận Bình Thạnh, TP HCM) là chủ sở hữu, trực tiếp chỉ đạo điều hành các hoạt động của Công ty Đại Tài. Vũ Trần Hương Thủy, Trần Tuấn An là những người được Duy nhờ đứng tên giám đốc của công ty ký mở 5 tờ khai hải quan tại Chi Cục hải quan Chơn Thành – Cục hải quan tỉnh Bình Phước để nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, tổng số 920.431 kg hạt điều chưa bóc vỏ, trị giá hơn 41 tỉ đồng, được miễn thuế nhập khẩu 5%.

leftcenterrightdel
  Bị cáo đã nhiều lần lén bán toàn bộ số hạt điều ra thị trường nội địạ, đa phần không xuất hóa đơn. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên sau khi nhập khẩu, Duy không tổ chức sản xuất để xuất khẩu, chưa kê khai tờ khai hải quan để chuyển đổi loại hình nhập khẩu mà tự ý đem tiêu thụ nội địa toàn bộ số lượng hạt điều trên, vi phạm quy định tại Điều 60 Luật Hải quan; khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và quy định tại điểm b, c Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính. Hành vi này đã vi phạm trình tự, thủ tục hải quan, xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương (xuất khẩu, nhập khẩu) của Nhà nước, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 28/3/2022, TAND tỉnh Bình Phước đã xét xử bị cáo Vũ Trần Đức Duy, tuyên bố bị cáo Vũ Trần Đức Duy phạm tội “Trốn Thuế”, Áp dụng khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự, xử phạt tiền bị cáo Vũ Trần Đức Duy 2 tỉ đồng.

Theo VKSND tỉnh Bình Phước, việc HĐXX nhận định lô hàng hạt điều thô do công ty của bị cáo Vũ Trần Đức Duy nhập vào đều có tờ khai hải quan hợp pháp và đã được nhâp khẩu vào Việt Nam; do hàng hóa bị ẩm mốc, lên mầm thị trường hạt điều thô sụt giảm nhiều nên công ty của bị cáo Duy đã bán trong thị trường nội địa để thu hồi vốn, chấp nhận lỗ. Mục đích của bị cáo do bị lỗ quá nhiều và nhằm trốn thuế khi khai báo với cơ quan hải quan. Công ty có thiếu sót là chưa khai tờ khai hải quan mới, đã sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích và không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan thuế nên trường hợp của bị cáo Duy chỉ phạm tội “Trốn thuế” theo Điều 200 Bộ luật hình sự là không đúng quy định pháp luật.

Phạm tội buôn lậu, tình tiết tăng nặng

VKSND tỉnh Bình Phước cho rằng, đối với hoạt động nhập khẩu thì có 3 hình thức: Một là nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu lại thị trường nước ngoài; hai là tạm nhập để tái xuất qua nước thứ ba; ba là nhập khẩu và bán ra thị trường nội địa.

Đối với hàng hóa nếu thuộc trường hợp nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đăng ký thời gian sản xuất để xuất khẩu thường từ 60 ngày đến 90 ngày, kho chứa hàng hóa phải được đăng ký tại hải quan, do cơ quan hải quan quản lý, kiểm tra, phải đủ tiêu chuẩn có hàng rào để không bị thất thoát, phải có đầy đủ máy móc, số lượng công nhân phục vụ việc sản xuất tương ứng với số hàng hóa đã nhập khẩu về để có thể kịp sản xuất và xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu thì không phải kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vì hàng hóa này không tiêu thụ tại thị trường nội địa, và không phải chịu thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Loại hàng hóa này được nhập khẩu vào Việt Nam để nhằm mục đích xuất khẩu, chứ không được phép tiêu thụ tại Việt Nam và luôn phải chịu sự giám sát của hải quan. Nếu muốn thay đổi mục đích nhập khẩu để bán ra tiêu thụ tại thị trường nội địa thì Duy phải kê khai, khai tờ khai Hải quan, làm các thủ tục kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu thuộc loại hàng được phép nhập khẩu và hội đủ các tiêu chuẩn khác thì mới được hải quan làm thủ tục hải quan cho nhập khẩu bán ra thị trường nội địa.

“Tuy nhiên, hàng hóa mà bị cáo Duy nhập khẩu có nguồn gốc từ Bờ Biển Ngà không nằm trong danh sách 46 nước được nhập khẩu hàng nông sản vào Việt Nam. Nên số hàng hóa này không bao giờ được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi hạt điều được nhập khẩu, Duy không tổ chức sản xuất xuất khẩu như đã đăng ký và cam kết mà đã lén bán ra thị trường Việt Nam, đã vi phạm vi phạm quy định tại Điều 60 Luật Hải Quan; khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính; khoản 13, Điều 2 Thông tư 93/2010/TT-BTC ngày 28/6/2010”, VKSND tỉnh Bình Phước nhận định.

Trong vụ án này, bị cáo nhập khẩu hạt điều thô để sản xuất, xuất khẩu nên không phải chịu thuế nhập khẩu, không phát sinh nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế không quản lý với số hàng hóa này, hàng hóa này cũng không phát sinh nghĩa vụ kê khai thuế với cơ quan thuế nên không có hành vi trốn thuế. Bị cáo đã lén bán số hạt điều ra thị trường nội địa khi không được phép. Hành vi này đã vi phạm trình tự, thủ tục hải quan, xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước nên đã phạm vào tội “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Hành vi của bị cáo là đã lén bán số hạt điều ra thị trường nội địa mà không thực hiện qua các thủ tục khai báo hải quan, vi phạm trình tự, thủ tục hải quan, xâm phạm chế độ quản xuất khẩu, nhập khẩu của Nhà nước. Hành vi của bị cáo không liên quan đến cơ quan thuế; không phải là hàng hóa đang được phép lưu thông ở thị trường nội địa; chưa phát sinh phải kê khai thuế với cơ quan thuế; hàng hóa đang chịu sự giám sát của hải quan, chưa kiểm định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên không phải là hành vi trốn thuế mà là hành vi “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 188 BLHS”, Quyết định kháng nghị phúc thẩm nêu rõ.

Thứ hai: Mặc dù bản án nhận định do chất lượng hạt điều giảm sút, hạt điều bị mọc mầm không thể để lâu, không thể sản xuất được, do “tiếc” nên bị cáo đã bán ra thị trường trong nước để thu hồi vốn… Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, không những gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng hạt điều của nước Việt Nam. Nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng hình phạt tù mà chỉ áp dụng hình phạt phạt tiền đối với bị cáo là đánh giá không đúng hành vi, tính chất và mức độ hành vi phạm tội theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, không có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội; tạo ra tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh, phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Thứ ba: Bị cáo mở tờ khai nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu nhưng đã nhiều lần lén bán toàn bộ số hạt điều này ra thị trường nội địạ, bị cáo khai việc bán này đa phần không xuất hóa đơn. Hành vi phạm tội như trên thuộc trường hợp tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Việc HĐXX không áp dụng tình tiết này khi xét xử bị cáo là bỏ lọt tình tiết tăng nặng của bị cáo; Không truy thu số tiền hơn 15 tỉ đồng bị cáo có được từ hành vi phạm tội là chưa thực hiện đúng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS.

Vì các lẽ trên, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước Quyết định kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 06/2022/HS-ST ngày 28/3/2022 của TAND tỉnh Bình Phước về: Tội danh, áp dụng tình tiết tăng nặng, hình phạt và áp dụng biện pháp tư pháp.

Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng: Sửa bản án sơ thẩm nêu trên, tuyên bố bị cáo Vũ Trần Đức Duy phạm tội “Buôn lậu” theo khoản 4 Điều 188; áp dụng thêm tình tiết tăng nặng tại điểm g khoản 1 Điều 52; áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo phù hợp tính chất, mức độ hành vi phạm tội được quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và truy thu số tiền hơn 15 tỉ đồng./.

Phi Sơn - Đại Lánh