Kiến nghị Cơ quan điều tra yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
Cập nhật lúc 23:47, Thứ năm, 14/04/2022 (GMT+7)
Phát hiện Cơ quan điều tra đã thi hành Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi có Quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát, VKSND huyện Quế Phong (Nghệ An) đã kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp từ ngày 01/12/2021 đến nay trên địa bàn, VKSND huyện Quế Phong phát hiện: Hồ sơ, tài liệu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong chuyển Viện kiểm sát đề nghị phê chuẩn “Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” có kèm theo cả “Biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” (Mẫu số 22 ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA nay là Mẫu số 67 ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA).
Tức là CQĐT đã thi hành Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi có Quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của Viện kiểm sát có thẩm quyền. Như vậy là trái với nguyên tắc hiến định quy định tại Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013; vi phạm Khoản 5 Điều 110 BLTTHS năm 2015, Khoản 4 Điều 15 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng “Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luât Tố tụng hình sự”.
|
|
Kiểm sát viên trao đổi và thống nhất với Điều tra viên những nội dung cần thực hiện trước khi thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. |
Từ vi phạm, thiếu sót nêu trên, Viện trưởng VKSND huyện Quế Phong đã ban hành kiến nghị yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong chỉ đạo rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục vi phạm, thiếu sót và thông báo cho Viện kiểm sát biết kết quả thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự.
Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp quy định:
“2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.
Khoản 5 Điều 110 BLTTHS quy định:
“5. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp gồm:
a) Văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
b) Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong
trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ;
c) Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
d) Biên bản ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
đ) Chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp”.
Khoản 4 Điều 15 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT quy định:
“Sau khi nhận được Quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Điều tra viên phải lập biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại cơ sở giam giữ. Người chứng kiến việc lập biên bản là cán bộ của cơ sở giam giữ”.
|
P.V