Ngày 6/12, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Công an tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thị trên địa bàn, về việc phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, theo kiến nghị của VKSND tỉnh tại Văn bản số 01/KN-VKS-P2, ngày 1/11/2024.

Văn bản dẫn báo cáo của VKSND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng.

Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị trong tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT- TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1863/QĐ-TTg, ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025.

Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là các nhà nghỉ, quán Karaoke, quán Internet, các cơ sở kinh doanh băng đĩa hình... để phát hiện, xử lí nghiêm các vi phạm pháp luật có liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em; phối hợp các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

leftcenterrightdel
 Đối tượng Nguyễn Văn Hà, trú huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông, nghi phạm vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng chiều ngày 13/7. Ảnh: baolamdong.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đài phát thanh truyền hình, các trường học trên địa bàn các huyện, thành phố... chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức pháp luật cũng như kiến thức về giới tính cho trẻ em.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật bằng hình thức phù hợp tới các em học sinh; phối hợp với các ban ngành; đoàn thể lồng ghép nội dung phòng chông tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vào các chương trình giảng dạy; xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho trẻ em bị xâm phạm tình dục...

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lí giữa gia đình và nhà trường, tăng cường giáo dục cho các em kiến thức về giới tính để các em tự bảo vệ mình trước những hành vi dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu.

Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên phối hợp, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo nêu trên; định kì hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, tổng hợp báo cáo UBND kết quả thực hiện.

PV