Thực hiện khâu công tác đột phá của đơn vị VKSND huyện Tây Sơn (Bình Định) năm 2023 về “Nâng cao chất lượng kiến nghị phòng ngừa”. VKSND huyện Tây Sơn đã chú trọng, tăng cường công tác kiến nghị đối với các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp và kiến nghị các cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự Trần Ngọc Ấn phạm tội “Hủy hoại tài sản” quy định tại Điều 178 BLHS 1015, VKSND huyện Tây Sơn nhận thấy UBND xã Bình Tường, huyện Tây Sơn đã có thiếu sót, sơ hở trong công tác chứng thực di chúc.

Cụ thể, ngày 11/5/2022, Trần Ngọc Ấn (SN 1969, ở số nhà 199, đường Thanh Niên, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã tự ý thuê nhiều người đến tháo dỡ, đập phá toàn bộ ngôi nhà cấp 4 diện tích 109 m2 của vợ chồng bà Trần Thị Thuận (ở xã Bình Tường huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Tây Sơn ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng thực di chúc. Ảnh minh họa.

Ngôi nhà xây dựng năm 2008 trên thửa đất số 214, tờ bản đồ 47, diện tích 1557,5 m2 (trong đó có 300 m2 đất ở và 1257,5 m2 đất trồng cây hàng năm khác) do UBND huyện Tây Sơn cấp ngày 22/10/2007 cấp cho hộ ông Trần Ngọc Trác, bà Nguyễn Thị Long ở xóm 9 Hòa Trung xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, trị giá tài sản thiệt hại hơn là 77,2 triệu đồng.

Quá trình điều tra xác định, ngày 19/3/2018, vợ chồng ông Trác, bà Long đến UBND xã Bình Tường, huyện Tây Sơn lập di chúc để lại toàn bộ quyền sử dụng đất trên và tài sản gắn liền với đất là 1 ngôi nhà cấp 4, diện tích 165 m2, loại nhà 1 tầng, tường gạch, mái lợp bằng ngói, nền tráng xi măng cho bị can Ấn khi chưa có ý kiến, chữ ký của bà Thuận. Di chúc này được UBND xã Bình Tường chứng thực ngày 20/3/2018. Về nguồn gốc thửa đất, thửa đất số 214 được cấp cho hộ ông Trần Ngọc Trác, bà Nguyễn Thị Long. Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ ông Trác, bà Long có 3 nhân khẩu gồm ông Trác, bà Long và bà Trần Thị Thuận.

Theo quy định tại Điều 212 BLDS, việc chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản chung của các thành viên trong gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình, trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại khoản 1 Điều 218 BLDS: “Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần sở hữu của mình”. Điều 624 BLDS quy định: “Di chúc là thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Như vậy, thửa đất số 214 là tài sản chung của hộ gia đình gồm: ông Trác, bà Long và bà Thuận nên việc định đoạt tài sản chung, lập di chúc để lại toàn bộ thửa đất này cho ông Ấn phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình, nếu không có thỏa thuận thì ông Trác, bà Long chỉ được định đoạt phần tài sản của ông Trác, bà Long trong khối tài sản chung là thửa đất số 214, nhưng ông Trác, bà Long đã định đoạt toàn bộ tài sản trên là trái pháp luật.

Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của chính phủ quy định về trách nhiệm của người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch, “Người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Tại thời điểm chứng thực, khi nghe vợ chồng ông Trác, bà Long tuyên bố nội dung của di chúc, lẽ ra người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã Bình Tường phải giải thích để ông Trác, bà Long chỉ định đoạt phần tài sản của mình theo khoản 1 Điều 218 BLDS. 

Nếu ông Trác, bà Long không đồng ý, vẫn định đoạt toàn bộ thửa đất số 214 thì người thực hiện chứng thực có quyền từ chối việc chứng thực hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính Phủ. Tuy nhiên, người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã Bình Tường đã chứng thực di chúc của ông Trác, bà Long vào ngày 20/03/2018.

Việc chứng thực di chúc trên đã dẫn đến việc Trần Ngọc Ấn cho rằng được cha mẹ để lại toàn bộ thửa đất số 214 nên ông Ấn yêu cầu bà Thuận phải tháo dỡ ngôi nhà của vợ chồng bà Thuận ra khỏi thửa đất số 214, bà Thuận không thực hiện việc tháo dỡ nhà thì Ấn đã thực hiện hành vi hủy hoại tài sản, bị TAND Tây Sơn xử phạt 2 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản” quy định tại Điều 178 BLHS 2015. Nguyên nhân dẫn đến Trần Ngọc Ấn phạm tội là do bị can cho rằng đã có di chúc hợp pháp của cha mẹ để lại toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với thửa đất nói trên.

leftcenterrightdel
 Một phiên tòa xét xử về “tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu chia di sản thừa kế” tại huyện Tây Sơn. Ảnh minh họa.

Việc làm trên của UBND xã Bình Tường đã vi phạm Điều 35, Điều 43 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong công tác chứng thực hợp đồng, giao dịch trên địa bàn huyện Tây Sơn, Viện trưởng VKSND huyện Tây Sơn đã ban hành kiến nghị số 193/KN-VKS, ngày 16/6/2023 đối với Chủ tịch UBND xã Bình Tường.

Kiến nghị đề nghị thực hiện đúng thủ tục về chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2020/TT-BTP, ngày 30/3/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/NĐ-CP, ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Việc kiến nghị nêu trên của VKSND huyện Tây Sơn đã giúp cho UBND xã Bình Tường thấy được những thiếu sót, hạn chế trong công tác chứng thực hợp đồng, giao dịch, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Thể hiện được vai trò, trách nhiệm và nâng cao vị thế, hình ảnh của Viện kiểm sát và phòng ngừa vi phạm tượng tự xảy ra trên địa bàn huyện.

Chi Lê - Xuân Nha