leftcenterrightdel
 Tập thể Phòng 9, VKSND tỉnh Tiền Giang.

Tại khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định:

“2. Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, ngoài kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp khắc phục vi phạm thì Viện kiểm sát còn kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ngoài ra, tại chương II Luật Tổ chức VKSND quy định các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, trong khâu công tác quy định cụ thể thẩm quyền kiến nghị của Viện kiểm sát.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ phân tích về thẩm quyền kiến nghị của VKSND cấp tỉnh và cấp huyện.

Thứ nhất, chúng ta phân tích về thẩm quyền kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp.

Tại khoản 3 Điều 41 Luật Tổ chức VKSND quy định:

“3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình.”

Như vậy có thể khẳng định, thẩm quyền kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp là những cơ quan ngang cấp và cấp dưới của VKSND. Hoạt động tư pháp ở đây được hiểu bao gồm cả hoạt động bổ trợ tư pháp. Vì vậy, VKSND cấp tỉnh có thể kiến nghị đối với những vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. VKSND cấp huyện kiến nghị đối với những vi phạm trong hoạt động tư pháp của cấp huyện, cấp xã. Đối với các cơ quan tư pháp thì phân cấp theo cấp hành chính thì đã rõ không cần phải phân tích thêm. Tuy nhiên, một số cơ quan có chức năng bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh đóng tại địa phương như: Các Văn phòng công chứng, Văn phòng Thừa phát lại trực thuộc Sở Tư pháp, Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan này có được xem là cơ quan ngang cấp huyện không, và VKSND cấp huyện có thẩm quyền kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác bổ trợ tư pháp đối với các cơ quan này không. Hiện nay, các địa phương cấp huyện vẫn thực hiện kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm đối với các cơ quan này, một số đơn vị vẫn còn chưa thống nhất cần có hướng dẫn.

leftcenterrightdel
 VKSND tối cao kháng nghị vụ Giết người, Cướp tài sản tại Thái Nguyên. Ảnh TL 2020.

Thứ hai, về thẩm quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (sau đây gọi tắt là kiến nghị phòng ngừa).

Khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức VKSND nêu rõ:Nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.”. Về thẩm quyền kiến nghị phòng ngừa có nhiều vấn đề đặt ra.

Một là, về thẩm quyền kiến nghị theo cấp có được hiểu như thẩm quyền kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp không. Ở đây có hai luồng ý kiến trái chiều.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, khoản 3 Điều 41 Luật Tổ chức VKSND chỉ quy định chung về chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp chứ không quy định rõ thẩm quyền kiến nghị phòng ngừa nên VKSND cấp huyện qua kiểm sát hoạt động tư pháp phát hiện vi phạm trong hoạt động tư pháp, và nhất là công tác bổ trợ tư pháp mà do sơ hở thiếu sót trong hoạt động quản lý của cấp tỉnh nên có thể kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh đề nghị chỉ đạo khắc phục, phòng ngừa chung, và thực chất đã có đơn vị cấp huyện thực hiện kiến nghị đến đơn vị cấp sở và được chấp nhận, có văn bản chỉ đạo khắc phục, nhất là vi phạm của các Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại.

Ý kiến thứ hai cho rằng, VKSND cấp huyện không có thẩm quyền kiến nghị phòng ngừa đối với các cơ quan quản lý cấp trên, việc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh phải do VKSND cấp tỉnh thực hiện. Theo quan điểm cá nhân tôi, trong khi chưa có hướng dẫn thực hiện thống nhất thẩm quyền kiến nghị phòng ngừa thì VKSND cấp huyện nên tập hợp những vi phạm của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp báo cáo VKSND tỉnh, VKSND tỉnh sẽ tổng hợp vi phạm trong toàn tỉnh để kiến nghị phòng ngừa chung sẽ đảm bảo nguyên tắc thẩm quyền theo cấp hành chính và mang lại hiệu quả kiến nghị cao.

Về kiến nghị phòng ngừa trong thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự. Luật Tổ chức VKSND chỉ quy định về kiến nghị phòng ngừa thông qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, chúng ta đều ban hành kiến nghị phòng ngừa trong cả 4 giai đoạn: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự. Đồng thời các hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ ngành và tiêu chí thống kê cũng có yêu cầu thống kê kiến nghị phòng ngừa của các giai đoạn trên.

Trong khi đó, Điều 13, Điều 19 Luật Tổ chức VKSND không quy định thẩm quyền kiến nghị phòng ngừa, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định rõ thẩm quyền này. Như vậy, khi ban hành kiến nghị phòng ngừa chúng ta sẽ báo cáo, thống kê là chúng ta kiến nghị phòng ngừa thông qua kiểm sát tin báo, kiểm sát điều tra, hoạt động truy tố hay kiểm sát xét xử, thực tế mỗi đơn vị báo 1 giai đoạn, không có thống nhất. Thực tế thì, qua công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự thì chúng ta mới có cơ sở xác định là có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý và kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Việc xác định là có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý để ban hành kiến nghị phòng ngừa cũng là vấn đề đặt ra. Hiện nay, nhiều đơn vị ban hành kiến nghị phòng ngừa cũng không chỉ ra được là có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý. Điển hình là nhiều đơn vị cấp huyện nhận thấy tình trạng ly hôn trên địa bàn huyện ngày càng tăng nên ban hành kiến nghị đến Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị có biện pháp chỉ đạo hạn chế tình trạng ly hôn trên địa bàn. Theo quan điểm cá nhân tôi, để kiến nghị phòng ngừa cần xác định được vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, qua đó xác định là có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý để ban hành kiến nghị phòng ngừa. Ví dụ như: Phòng Tư pháp thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm trong công tác công chứng, chứng thực của UBND cấp xã dẫn đến việc giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án không đúng pháp luật; Sở Tài Nguyên và Môi trường thiếu kiểm tra, quản lý để Văn phòng đăng ký đất đai chậm cung cấp thông tin về đất đai theo yêu cầu của Tòa án dẫn đến vụ án bị kéo dài…

Về nội dung kiến nghị phòng ngừa, nhiều đơn vị hiện nay ban hành kiến nghị phòng ngừa thường yêu cầu các cơ quan được kiến nghị áp dụng các biện pháp theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan đó để phòng ngừa vi phạm như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức tập huấn chuyên môn…..Theo quan điểm cá nhân của tôi thì, kiến nghị phòng ngừa cần chỉ ra các vi phạm, thiếu sót của cơ quan, tổ chức và đề nghị cơ quan quản lý chỉ đạo các cơ quan trực thuộc có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, không để xảy ra vi phạm như kiến nghị của Viện kiểm sát, còn biện pháp thực hiện thế nào là trách nhiệm của cơ quan bị kiến nghị. Tuy nhiên, nếu cấp ủy, chính quyền địa phương có yêu cầu, đề nghị thì chúng ta có thể tham mưu một số biện pháp để chỉ đạo thực hiện, nhưng không đi quá sâu vào chuyên môn của các cơ quan khác.

Về thẩm quyền đề nghị kháng nghị vụ án hình sự, dân sự, hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án dân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật. Hiện nay có quan điểm cho rằng, thẩm quyền đề nghị Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định về hình sự, dân sự, hành chính của Tòa án dân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật là của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện không có thẩm quyền này, khi phát hiện vi phạm cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND cấp huyện báo cáo VKSND tỉnh để VKSND tỉnh xem xét, quyết định ban hành thông báo đề nghị Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Có quan điểm cho rằng, tại Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự theo quy định: 2. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này.”, Điều 374 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: 1. Khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc với Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).” không quy định rõ cấp nào có thẩm quyền thông báo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, hiện nay cũng chưa có quy chế, quy định nào của Ngành quy định việc đề nghị kháng nghị trên là thuộc thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh.

Vì thế khi phát hiện vi phạm, VKSND cấp huyện có thể trực tiếp ban hành thông báo đề nghị Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định về hình sự, dân sự, hành chính của Tòa án nhân dân cùng cấp mà không cần phải thông qua VKSND cấp tỉnh. Tôi thống nhất với quan điểm thứ hai, tuy nhiên để đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành, khi phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm, VKSND cấp huyện báo cáo VKSND tỉnh để VKSND tỉnh xem xét, quyết định ban hành thông báo đề nghị Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trường hợp VKSND cấp tỉnh không thống nhất với quan điểm đề nghị kháng nghị của VKSND cấp huyện thì VKSND cấp huyện có thể trực tiếp ban hành thông báo đề nghị Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm./.

Dương Thanh Quang - Phó Trưởng phòng 9 VKSND tỉnh Tiền Giang