VKSND cấp cao tại Hà Nội (Viện cấp cao 1) vừa ban hành Thông báo rút kinh nghiệm đối với vi phạm trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án. 

Thông báo nêu rõ, tại các Quyết định số 01/2020/QĐST-DS và số 02/2020/QĐST-DS được ban hành cùng ngày 10/12/2020 của TAND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đều giải quyết về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, Quyết định số 05/2020/QĐST-ST về việc “Tranh chấp đòi lại tài sản” ngày 8/5/2020, Quyết định số 06/2021/QĐST-HNGĐ về việc “Tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn” ngày 26/3/2021 của TAND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do: Nguyên đơn trong các vụ án trên rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự. 

Tuy nhiên, tại phần hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án, các Quyết định của TAND huyện Bảo Lạc ghi: Nguyên đơn không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật; còn TAND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ghi: Nguyên đơn không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà xét xử vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ)

Theo Viện cấp cao 1, các Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên đã vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự, điều luật quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 192, Điểm c Khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. 

Theo Viện cấp cao 1, nội dung cần rút kinh nghiệm đó là, khi kiểm sát Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, ngoài việc cần xem kỹ toàn diện lý do đình chỉ, Kiểm sát viên, người nghiên cứu cần phải kiểm sát toàn diện hậu quả và các nội dung khác của Quyết định để kịp thời phát hiện vi phạm. 

Do đó, các VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện trong khu vực cần nghiên cứu, tổ chức rút kinh nghiệm chung đối với vi phạm đã nêu trên nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Đồng thời, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện tổ chức kiểm tra lại các quyết định đình chỉ của TAND cùng cấp để kịp thời phát hiện vi phạm như trên và thông báo bằng văn bản cho Viện cấp cao 1 để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

P.V