Qua thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, VKSND huyện Kỳ Sơn nhận thấy: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó đáng chú ý là tội phạm phát sinh từ việc sử dụng các loại súng tự chế của người dân. Ðiều đáng nói, mặc dù là súng tự chế nhưng loại súng này có tầm sát thương rất cao và nhiều khả năng đe dọa tính mạng con người, đã được đưa vào danh mục các loại vũ khí cấm cá nhân sở hữu, tàng trữ.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền và vận động nhân dân giao nộp vũ khí tự chế đang tàng trữ và sử dụng trái phép. Tuy nhiên, do nhận thức của một số người dân còn hạn chế, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là ở một số địa bàn vùng sâu vùng xa còn thiếu quyết liệt nên việc thu hồi vũ khí tự chế còn gặp nhiều khó khăn,vẫn còn một số đối tượng cố tình lén lút chế tạo, sử dụng súng tự chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nên những hậu quả khó lường.

leftcenterrightdel
 Tang vật súng tự chế trong các vụ án xảy ra ở Kỳ Sơn. Ảnh HAT.

Theo thống kê tội phạm, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã xảy ra 3 vụ/3 bị can liên quan đến việc sử dụng súng tự chế, cụ thể: Vụ án Lầu Bá Giờ (Vô ý làm chết người) xảy ra tại xã Mường Lống; Vụ án Hạ Bá Ka (Vô ý làm chết người) xảy ra tại xã Na Ngoi và vụ án Xồng Vả Chá (Tàng trữ trái phép chất ma túy) xảy ra tại xã Na Ngoi.

Để góp phần hạn chế tình hình tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến việc sử dụng các loại súng tự chế trên địa bàn huyện nói riêng, Viện trưởng VKSND huyện Kỳ Sơn kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn áp dụng một số biện pháp để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật như:

1. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của vật dụng này cũng như vận động nhân dân tự nguyện giao nộp các loại súng tự chế. Để thực hiện tốt việc thu hồi, lực lượng chức năng cần tập trung tuyên truyền, vận động các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng… để họ tiếp tục vận động nhân dân tự nguyện giao nộp.

2.Cần có biện pháp cưỡng chế, bắt buộc nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh đối với những trường hợp cố tình không chịu giao nộp.

3. Khen thưởng, khuyến khích, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể phát hiện, thu hồi nhiều vũ khí, vật liệu nổ; khuyến khích quần chúng nhân dân tố giác hành vi chế tạo, buôn bán, sử dụng súng trái phép.

P.V