Ngày 6/4, UBND tỉnh Khánh Hòa ra thông cáo cho biết, trước đó cùng ngày, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh đã họp về tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Động thái diễn ra sau khi trên địa bàn thành phố Nha Trang xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người phải nhập viện, tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm trạng nhân dân; ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Quản lý thị trường, Công an tỉnh theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về VSATTP theo chức năng, thẩm quyền, lĩnh vực ngành phụ trách;

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó mỗi cấp thành lập các đoàn kiểm tra, bắt đầu từ 8 và 9/4, đồng loạt kiểm tra công tác bảo đảm VSATTP 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, mua bán thực phẩm (ưu tiên trong tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, mua bán thực phẩm có thịt gà; các cơ sở thực phẩm quy mô lớn; các cơ sở chế iến suất ăn sẵn; bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học; các cơ sở có nguy cơ cao);

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại ch ng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, ATTP nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện sau khi sử dụng cơm gà mua từ quán cơm gà Trâm Anh, Nha Trang ngày 11,12/3. Ảnh: PT.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP; UBND các huyện, thị xã thành phố rà soát điều chỉnh kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2024; trong đó tháng hành động VSATTP là một trong những nội dung của kế hoạch năm 2024;

Tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP, cảnh báo nguy cơ mất ATTP; về kiến thức đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm,…. nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, người cung cấp thực phẩm trong vấn đề bảo đảm VSATTP;

Kết hợp nhiều hình thức, phương tiện truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa tăng thời lượng, thông tin; các địa phương chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của các địa phương. - Sở Y tế chủ trì phối hợp Sở Thông tin Truyền thông in các tờ rơi (inforgraphic) cung cấp cho các địa phương và các báo, đài.

Tin liên quan, ngày 5/4, Cục ATTP- Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa.

Văn bản cho biết, nhận được thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa về vụ việc một học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tử vong chưa rõ nguyên nhân vào sáng ngày 5/4; trong khi một số học sinh khác cùng trường Tiểu học Vĩnh Trường và trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc sau khi sử dụng đồ ăn sáng mua từ các hàng quán và người bán hàng rong xung quanh các trường.

Đặc biệt trong thời gian từ đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Nha Trang cũng đã xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm.

Trước tình hình trên, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bản tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên;

Phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan điều tra, xử lý, xác định nguyên nhân vụ việc và công khai thông tin kịp thời để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có);

Phối hợp các cơ quan chính quyền và cơ quan chức năng ngành Giáo dục và Đào tạo tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học (bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các đối tượng, cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học). Nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường, Ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học;

Tập trung triển khai các nội dung Công văn số 557/ATTP-NĐTT ngày 21/3 của Cục ATTP về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2024.

PV