Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến 15h ngày 15/3, tổng số trường hợp ngộ độc thực phẩm (sau khi ăn cơm gà tại quán cơm Trâm Anh, đường Bà Triệu, Nha Trang), được các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận là 345 ca.
Trong số này, có 239 ca nhập viện điều trị, 103 ca kê đơn cho về theo dõi ngoại trú.
Tổng số ca xuất viện trong ngày 15/3 là 38 ca. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 201 ca, trong đó tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh 52 ca, BV Sài gòn Nha Trang 50, BV Tâm trí 26 ca,..
Ngành Y tế Khánh Hòa nhận định, đa số các bệnh nhân đang dần ổn định, dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh tỉnh, một vài bệnh nhân còn triệu chứng buồn nôn, sốt, đi cầu phân lỏng, đau quặn bụng từng cơn;
Các ca bệnh nặng người già, trẻ em được các cơ sở y tế chuyển đến BVĐK tỉnh Khánh Hòa tiếp tục điều trị.
Đáng lưu ý có 1 ca bệnh đang điều trị tại BVĐK tỉnh diễn biến nặng hơn.
Bệnh nhân này đang mang thai 18 tuần, sốt 38,5 độ, HA80/50mmHg, Mạch: 95 lần/phút, buồn nôn, tiêu chảy>10 lần, đau bụng quanh rốn.
Bệnh nhân đã được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực chống độc để theo dõi điều trị.
Sau khi nhận thông tin về vụ ngộ độc, ngày 14/3, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế đã có công văn số 476/ATTP-NĐTT, đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai gấp các nội dung, bao gồm: chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên;
Tạm thời đình chỉ cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp tới đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định gần nhất để xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng;
|
|
Trong số 345 ca có triệu chứng ngộ độc thực phẩm được các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận, có 239 ca nhập viện điều trị. |
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến;
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ.
Phản ứng với vụ việc, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 13/3, Sở đã ban hành công văn số 915/SYT-NVYD chỉ đạo khẩn các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh huy động tối đa tất cả các nguồn lực hiện có của đơn vị về nhân lực, thuốc, trang thiết bị để tập trung cấp cứu, điều trị chăm sóc bệnh nhân; Thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, điều tra nguyên nhân và truy xuất nguồn gốc thực phẩm;
Sở Y tế đã thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát công tác thu dung, điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nói trên tại các cơ sở khám chữa bệnh có bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú.
Mặt khác, đã ban hành thông báo kết luận số 964/TB-SYT ngày 15/3 để chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong việc tiếp tục thu dung điều trị, đề xuất định hướng điều trị.
Sở Y tế Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì phối hợp với các Trung tâm y tế và Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục điều tra dịch tễ và truy xuất nguyên nhân ngộ độc, cắt nguồn lây nhiễm bệnh, tăng cường truyền thông giáo dục người dân ăn uống hợp vệ sinh trong mùa nắng nóng, rà soát kiểm tra các thực phẩm nguội, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.