Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 9021/VPCP-KTTH, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - về định hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2020.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chi tiết việc triển khai xã hội hóa SGK theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, từ đó đề xuất phương án quản lý giá SGK phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát, đánh giá tổng thể việc thi hành Luật Giá để có định hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý giá nói chung, trong đó có vấn đề quản lý giá SGK.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Bộ GD-ĐT cho biết: Theo quy định của Luật giá 2012, SGK là mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính (là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá). Theo đó doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.

Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 319/BGDĐT-KHTC ngày 7/2/2020 và Công văn số 774/BGDĐT-KHTC ngày 11/3/2020 kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa.

Trước đó, ngày 16/6/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4777/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (theo hình thức giá tối đa).

Cũng trong văn bản số 9021, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân miền Trung đang khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trực đáp ứng nhu cầu tiên dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm để hạn chế tăng giá.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa giữa các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng sớm hồi phục. Kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 ở mức dưới 3%.

Kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.


Huân Thu