Trong khi chờ chỉnh sửa chính thức SGK Tiếng Việt lớp 1, đông đảo phụ huynh và GV đang sử dụng SGK này băn khoăn việc dạy và học tiếp cuốn sách này ra sao, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đã yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều xây dựng phương án chỉnh sửa.

Khi chưa có nội dung chỉnh sửa chính thức, tác giả và nhà xuất bản sớm xây dựng hướng dẫn để báo cáo Bộ GD-ĐT và gửi tới các trường đang sử dụng bộ SGK Cánh Diều nhằm áp dụng phù hợp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục - bà Lê Bích Ngọc (Đại diện Eduten - FinlandMath tại Việt Nam), tại thời điểm này, những trường nào đang dùng bộ Cánh Diều nên “tạm dừng lại” và chủ động chọn cho HS của trường mình một nội dung học phù hợp nhất.

leftcenterrightdel
  Sách nên được dạy thí điểm trong một năm để chỉnh sửa tiếp trước khi dạy đại trà. Ảnh: Tiền Phong

Sau một tháng được triển khai, SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều nhận nhiều phản hồi tiêu cực, cụ thể về việc sử dụng những từ ngữ khó hiểu, ít thông dụng cùng các câu chuyện thiếu tính giáo dục. Bà nhận định như thế nào về việc dùng từ ngữ, bài học trong sách lớp 1 mới?

Những ngày gần đây, dư luận dấy lên các cuộc tranh luận dữ dội xung quanh việc bộ sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều sử dụng từ ngữ “không phù hợp”. Và cũng rất nhiều người nói, sách ngày xưa vẫn tốt sao phải cải cách.

Cá nhân tôi thì nhìn nhận theo một hướng khách quan, xã hội càng hiện đại, việc cải cách là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, cải cách thế nào cho hiệu quả lại là một câu chuyện vô cùng khó. Tiêu chuẩn của việc đánh giá từng bộ sách để đưa vào sử dụng trong trường học sẽ khác nhau nếu chúng ta đứng trên những quan điểm khác nhau.

Khi coi học sinh là trung tâm, là chủ thể sử dụng chính của bộ sách thì các phương pháp giáo dục, các kiến thức trong sách phải đặt lợi ích của HS lên hàng đầu và cuốn sách phải mang lại một giá trị, lợi ích để đồng hành cùng sự phát triển của HS.

Tuy nhiên, SGK chỉ là một phần trong cả một hệ thống giáo dục. Trong cả tiến trình này, GV cũng đóng góp một phần rất quan trọng. Với nhiều Quốc gia trên thế giới, như Mỹ hay Phần Lan… thì họ không bắt buộc duy nhất một bộ SGK.

Quyền chủ động của GV rất lớn, GV chỉ bám theo khung chương trình, khung phát triển năng lực của trẻ để tự mình xây dựng những bài giảng, đưa những phần kiến thức phù hợp với những HS mình đang phụ trách. Với mục tiêu, lượng kiến thức đó giúp các con ứng dụng được tốt nhất và nhanh nhất vào trong cuộc sống hàng ngày.

Còn cụ thể, với bộ sách Cánh diều hay cả những bộ SGK khác đã được thẩm định. Tôi cũng đã có dịp nói chuyện và trao đổi với tác giả của các nhóm sách. Về cơ bản, hầu hết các tác giả khi viết sách cũng đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho những “đứa con” của mình và họ cũng đã dựa trên những triết lý giáo dục riêng.

Tuy nhiên, như chúng ta thấy, kết quả cũng không như kỳ vọng, những cuốn sách đó vẫn còn mang hơi hướng của một nền giáo dục cũ đã đi sâu vào tiềm thức và nội dung cuốn sách chưa phản ánh được những giá trị dành cho thế hệ trẻ thời hiện đại.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, cả 5 bộ SGK mới đều đã qua dạy thực nghiệm. Riêng bộ Cánh diều, khi đưa sách đi dạy thực nghiệm hai năm liền, từ bài 1 đến bài cuối cùng, nhóm tác giả nhận nhiều góp ý của các GV đứng lớp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, dạy thực nghiệm khác với thí điểm, bà thấy sao về ý kiến này?

Việc đưa một bộ sách vào chương trình học chính thức chắc chắn sẽ phải đưa đi dạy thực nghiệm. Như vậy, nhóm tác giả mới có thể có những đánh giá đa chiều về kết quả mà cuốn sách mang lại.

Nhưng, nếu chỉ thí điểm ở một phạm vi bé, số dữ liệu không đủ lớn thì cũng khó có những đánh giá khách quan. Còn nếu triển khai thí điểm trên diện rộng, thì chắc chắn sẽ lại dấy lên làn sóng khác: “Tại sao con tôi lại phải thí điểm”?

Tôi xin lấy một ví dụ, chương trình hỗ trợ dạy và học Toán Eduten thông qua trò chơi tại Phần Lan được khởi xướng từ trung tâm nghiên cứu dữ liệu thuộc trường đại học Turku. Cả một quá trình 10 năm phát triển, họ đã đưa chương trình tới các GV triển khai tại các trường và GV là người đóng góp sửa đổi, sáng tạo góp phần tinh chỉnh nội dung cho Eduten.

 Vậy, kết quả của Eduten có được thành công như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều công đóng góp của rất nhiều GV tại Phần lan. Nhưng đối với nước ta, để triển khai được việc này hơi khó.

Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 đã đề cập những “hạt sạn” với nhóm tác giả.Tuy nhiên, nhóm tác giả giữ bảo lưu quan điểm. Theo chị, sự chủ quan có thuộc về nhóm tác giả và Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) không? Theo chị, SGK Tiếng Việt 1 có ổn không?

Tôi biết, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp để báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Nhưng, đã sai thì phải sửa. Nhóm tác giả bộ sách Cánh Diều nên tiếp nhận những thông tin trái chiều để cùng ngồi lại nghiên cứu kỹ càng hơn để chỉnh sửa bộ sách một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc này sẽ vô cùng tốn thời gian và khó khăn. Việc biên tập lỗi chính tả thì dễ, để thay đổi/đính chính hình ảnh đã khó, nay khó hơn nữa là những “hạt sạn” thì vất vả vô cùng. Tất cả đều cần một quá trình.

Trong xã hội, những người đọc sách, phản ứng với bộ sách đa phần vì thấy ngôn từ không phù hợp, các câu chuyện ngụ ngôn nước ngoài thì bị cắt xén, xào xáo một cách ngô nghê, sai cả từ; những đoạn hội thoại sử dụng những câu từ cụt lủn, vô nghĩa gây hoang mang và khó hiểu với phụ huynh khi hướng dẫn con học bài.

Tại thời điểm này, những trường nào đang dùng bộ Cánh Diều nên tạm dừng lại. Quyền chủ động và linh hoạt của Ban giám hiệu và GV được đẩy lên cao. Hãy chủ động chọn cho HS của trường mình một nội dung học phù hợp nhất.

Mỗi trường, nên thành lập một phòng nghiên cứu chương trình học và đào tạo GV, hàng ngày soạn nội dung học cho HS lớp 1 thông qua kinh nghiệm dạy học, tham khảo các bộ sách khác cùng được ban hành trong năm nay. Tôi khẳng định, hoàn toàn có thể triển khai được mà không ảnh hưởng đến tiến trình học tập của HS.

Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT nên thành lập một ban thẩm định mới tầm cỡ Quốc gia, độc lập với ban cũ để tiến hành đánh giá, nghiêm túc tiếp thu và nhanh chóng sửa chữa những sai sót để ổn định việc dạy và học của năm học này.

 

 

 

Huân Thu