Mua tại trường
Ghi nhận của phóng viên, nhiều phụ huynh đều nhận được thông báo của nhà trường về việc mua sách giáo khoa và mua tại trường. Danh mục này được nhà trường in khá cụ thể. Thậm chí, bên cạnh sách giáo khoa, học sinh còn mua thêm vở do nhà trường in logo.
|
|
Học sinh lớp 1 ở Thái Bình học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: QT |
Như danh mục của trường Tiểu học An Phong, TP Hồ Chí Minh thì học sinh lớp 1 phải “cõng” tới 23 đầu sách mà 2/3 trong số đó là sách tham khảo. Điều này khiến nhiều người bức xúc. Đến lúc này phụ huynh mới cho biết: Danh mục này được nhà trường đưa mà không thông báo, giải thích rõ ràng đâu là sách giáo khoa (bắt buộc phải mua) và đâu là sách bổ trợ, tham khảo (không bắt buộc phải mua).
Anh N.M.H (có con học lớp 1, trường Tiểu học T.N, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Danh mục sách lớp 1 cho con tôi mua là do nhà trường cung cấp và mua tại trường. Tôi cũng không được giải thích đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo". Do đó, thông qua nhà trường phụ huynh nghĩ phải mua cả danh sách và đồ dùng lớp 1 cho con do Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội phát hành, với 19 cuốn, có giá là 305.000 đồng. Đi cùng với đó là bộ hình khối môn Toán, bộ đồ dùng Toán - tiếng Việt có giá vài trăm nghìn đồng nữa.
Trao đổi với báo chí, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phê duyệt gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục Thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 1 môn học tự chọn là tiếng Anh.
Với chủ chương xã hội hoá sách giáo khoa thì sách giáo khoa theo chương trình mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt gồm 5 bộ sách, bộ sách ít nhất là 9 cuốn và bộ nhiều nhất là 11 cuốn. Các nhà xuất bản có thể bán tại các nhà sách, nhưng thực tế thì học sinh chủ yếu lại mua qua trường. Vì thế mới có tình trạng phụ huynh mua sách theo trường ghi ra lên tới 800.000 đồng/bộ sách.
Không ép phụ huynh mua sách tham khảo
Sự việc về giá giáo khoa và sách tham khảo được đưa lên mạng xã hội, lúc này phụ huynh mới vỡ lẽ về giá của các bộ sách giáo khoa.
Theo thống kê của phóng viên, giá của 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 như sau: Bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp biên soạn, phát hành với 8 cuốn có giá 199.000 đồng. Bốn bộ còn lại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là: Kết nối tri thức với cuộc sống 10 cuốn có giá 179.000 đồng; Chân trời sáng tạo gồm 9 cuốn, giá 186.000; Cùng học để phát triển năng lực 10 cuốn, giá 194.000; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục 9 cuốn, giá 189.000 đồng.
Nhìn nhận thực tế thị trường sách nhân dịp một năm học có nhiều đổi mới như năm nay, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ năm 2018- Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh Diều) thì các đơn vị xuất bản sách giáo khoa lớp 1 năm nay đều có sách “ăn theo”.
Thậm chí, tình trạng nhà xuất bản định giá sách giáo khoa thấp để cạnh tranh nhưng lại xuất bản rất nhiều sách ăn theo với giá cao hơn cả sách giáo khoa.
Về việc nhà trường là đơn vị phân phối sách giáo khoa, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: Bộ chưa nhận được bất cứ một văn bản hay phản ánh nào về việc các nhà trường trở thành "bên thứ 3" giúp các đơn vị phân phối sách đến học sinh. Đây là vấn đề thuộc diện quản lý của các đơn vị chức năng tại địa bàn như UBND quận/huyện, Sở/Phòng GD&ĐT.
TS Thái Văn Tài đặt vấn đề: Bộ đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này, các Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT có văn bản chỉ đạo đều thực hiện đúng dựa trên các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Vấn đề nằm ở việc triển khai, nhà trường có thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo không? Chúng ta cần phải chỉ ra sai ở khâu nào? Nếu sai ở khâu nào, chúng ta sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát ở khâu đó. Người nào làm sai người đó phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, văn bản ban hành về việc quy định đầu mục sách giáo khoa, cho thanh tra, kiểm tra về việc này lại được Bộ GD&ĐT ban hành sau khi sự việc ở trường Tiểu học An Phong, TP Hồ Chí Minh được báo chí đề cập đến.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ đã yêu cầu các trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết, mua sắm.
Trong văn bản gửi các địa phương, nhà trường về danh mục mua sách, Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu địa phương phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra về thực trạng này và phải báo cáo về Bộ. Nếu nơi nào làm sai sẽ xử lý theo đúng quy định.