Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Về chi phí quản lý BHXH.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật BHXH. Qua nghiên cứu, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện dự án luật này?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH năm 2014). Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia;...

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.

Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách BHXH theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Theo đó, việc sửa đổi phải bảo đảm an sinh xã hội, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động. Đồng thời, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Phóng viên: Một trong những điểm mới quan trọng tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này là quy định giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Vậy quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung này?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Dự thảo Luật đã giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28, cụ thể hóa quy định về bảo đảm an sinh xã hội của Hiến pháp, phù hợp với Công ước số 102 và xu hướng hiện nay về BHXH đa tầng như nhiều quốc gia trên thế giới; đồng thời kế thừa và phát triển quy định hiện hành về trợ giúp người cao tuổi. Đây là quy định đáp ứng mong mỏi của đông đảo cử tri cả nước, đặc biệt là của người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm, tính ưu việt, nhân văn trong chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước.

Theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam, việc giảm độ tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 - 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT.

Tôi đồng tình với cách thiết kế hiện nay để mở quy định về Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ và kết hợp với việc huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, để người cao tuổi có mức hưởng cao hơn. Thể hiện cách thức thực hiện rất linh hoạt, huy động sự chung tay của toàn xã hội để chăm lo cho người cao tuổi, lấy quyền lợi của người cao tuổi làm trung tâm, trong bối cảnh Việt Nam ngày một già hóa dân số.

Về mức hưởng, tôi cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội về việc cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội, phương thức đóng linh hoạt hơn để người cao tuổi có mức hưởng như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 dự thảo luật và cao hơn mức trong dự thảo Nghị định về chính sách trợ cấp hưu trí xã hội kèm theo Hồ sơ dự án Luật khi vẫn giữ nguyên mức trợ cấp hiện hành là 360.000 đồng/tháng.

Phóng viên: Liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần, tại dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Xin đại biểu cho biết quan điểm đối với các phương án được nêu tại dự thảo?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Tôi đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã rất cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng khi nhận định đây là vấn vấn lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp và đã đưa ra nhiều phương án, ý kiến khác nhau, được thể hiện và phân tích kỹ cả về ưu điểm và hạn chế của từng phương án.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội khi còn băn khoăn về cả 2 Phương án do Chính phủ trình vì lý do sau:

Đối với phương án, sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Chúng ta đều biết một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế như cần tiền để lo cho cuộc sống trước mắt hoặc có nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình. Quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, trong bối cảnh tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất cao (68,5%), tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp, do vậy  việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Và như vậy vô hình dung sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia BHXH, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của BHXH trong quan điểm xây dựng luật, khiến cho mục tiêu, ý nghĩa của chính sách về BHXH không đạt được như Nghị quyết 28 đề ra.

leftcenterrightdel
 Việc giảm độ tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Phương án 2 người lao động vẫn có thể rút BHXH một lần như điều kiện hiện nay, nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động (theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động ). Bên cạnh đó, việc chỉ chi trả 50% và giữ lại 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ phải đương đầu với những khó khăn trước mắt của cuộc sống với những lý do đã được phân tích ở trên. Đặc biệt hơn, khi người lao động rút BHXH 1 lần là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này lại chủ yếu là dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình, sinh con và nuôi con nhỏ. Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng BHXH một lần của những người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Vì các lý do trên, tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới, để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.Tôi ủng hộ phương án người lao động được rút BHXH một lần và được rút một mức thỏa đáng nhất có thể được. Bên cạnh đó, đề nghị có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng, vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động, truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Ngọc Anh