leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 2/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Khoảng 3 triệu người có thêm cơ hội tham gia Bảo hiểm xã hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Về chi phí quản lý BHXH.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Bên cạnh đó, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH. Quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

leftcenterrightdel
  Các đại biểu tham dự phiên làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70, cụ thể như sau:

Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.".

Không thay đổi cách tính lương hưu

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, về việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28, là một trong những giải pháp góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng, không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp của cá nhân mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo: Đánh giá kỹ các tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước, việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này và đối với chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, trong đó xác định rõ nội dung chi trả bảo hiểm y tế; Nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.

Về đưa “bảo hiểm hưu trí bổ sung” vào phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Xã hội thấy rằng, chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Qua 8 năm thực hiện, chính sách này chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng chưa được tổng kết đầy đủ. Do vậy, việc tiếp tục giao cho Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung (là một tầng trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng) mà không có quy định cụ thể hơn là chưa phù hợp, không đồng bộ với việc bổ sung các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Về bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 3), Ủy ban Xã hội đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28 đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 64), Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm như dự thảo là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi); một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần cũng có thể tham gia hoặc quay lại tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu; Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (Điều 68), dự thảo Luật cơ bản tiếp tục kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và không thay đổi cách tính lương hưu, mức đóng - hưởng.

Về quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với những người có số năm đóng đạt được và vượt tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (Điều 68) thì nhiều ý kiến cho rằng, sửa luật lần này đã tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc những người tham gia không liên tục, song lại chưa có biện pháp khắc phục được hạn chế mà được cho là “thiệt thòi” đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sớm và ở lại hệ thống lâu dài.

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bổ sung chính sách khuyến khích đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sớm và ở lại lâu dài với hệ thống theo hướng tương tự như việc quy định quyền lợi mở rộng hơn đối với người tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 5 năm trở lên hoặc điều chỉnh mức trợ cấp một lần từ 0,5 lần lên 1 lần của mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Về bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102), Ủy ban xã hội thấy rằng, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, Chính phủ chưa thể hiện rõ quan điểm về phương án lựa chọn. Hơn nữa, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà lấy bảo hiểm một lần (tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà lại lấy của tuổi già để chi tiêu) dù với lý do gì, đều trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí…

Minh Khôi