Người lao động cũng có quyền khởi kiện

Theo quy định của Dự thảo Luật BHXH trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, có 2 chủ thể có quyền và trách nhiệm khởi kiện đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, đó là công đoàn và cơ quan BHXH. Ngoài việc khởi kiện về dân sự, Dự thảo Luật cũng quy định cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Đề cập đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, quy định trên là chưa đầy đủ; đại biểu đề nghị chỉnh sửa, bổ sung theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, không chỉ cơ quan BHXH mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, không chỉ cơ quan BHXH mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động BHXH và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho hay, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ, khi xử lý vi phạm hành chính hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc. Trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định trong trường hợp này, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện ra tòa án. Như vậy, lại phát sinh thêm một vụ án dân sự và nếu không tự nguyện thi hành án của tòa án thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ lại cưỡng chế thi hành. Trong trường hợp này, cùng một vụ việc, cùng một nội dung là buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc nhưng lại do các cơ quan khác nhau với trình tự, thủ tục khác nhau xử lý. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa phù hợp, do đó Cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại biểu Tú kiến nghị, nếu quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì cần quy định cụ thể trường hợp, điều kiện để cơ quan BHXH khởi kiện; trách nhiệm của cơ quan này nếu không khởi kiện.

Cần đồng bộ các quy định pháp luật

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cần hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan.

“Cùng với việc sửa đổi Luật BHXH, đề nghị Quốc hội cần sớm nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan đến việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Lao động, Luật Công đoàn và các bộ luật khác có liên quan, để nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định trên và quan trọng nhất là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động” – đại biểu nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện, không cần phải có ủy quyền của người lao động. Bởi, theo quy định của Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động. Ảnh: quochoi.vn

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phân tích, Dự thảo Luật đã sửa Điều 13 theo hướng là tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện đối với hành vi trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Song nếu chỉ sửa như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay; bởi vấn đề này đang chịu sự ràng buộc của 4 đạo luật, gồm Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Lao động.

“Bốn đạo luật này đang có sự không thống nhất trong quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn. Có luật thì giao cho các cấp công đoàn, có luật giao cho công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, nhưng có luật giao cho công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện.”- đại biểu chỉ rõ.

Qua giám sát, đại biểu cho rằng, việc chỉ quy định cho công đoàn cấp cơ sở có quyền khởi kiện đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ không tránh khỏi tâm lý gây e ngại, bởi vì cán bộ công đoàn cấp cơ sở hưởng lương từ doanh nghiệp. Đặc biệt, vấn đề ách tắc nhất hiện nay là quy định khi công đoàn đứng ra khởi kiện phải có sự ủy quyền của từng người lao động.

“Quy định này sẽ không phù hợp, không khả thi đối với những doanh nghiệp có đông người lao động, có hàng nghìn công nhân. Nhiều công đoàn cơ sở chia sẻ là việc đi lấy giấy ủy quyền của người lao động rất gian nan, nhất là đối với những doanh nghiệp đã dừng hoạt động, người lao động đã trở về quê hoặc chuyển việc khác. Theo quy định, không chỉ lấy giấy ủy quyền mà còn phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động cư trú để xin chứng thực” - đại biểu nêu thực tế và kiến nghị, cùng với việc sửa Điều 13 của Luật BHXH, Quốc hội cần xem xét đưa vào Điều 135 của Dự thảo, sửa đồng thời cả Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Công đoàn đối vấn đề này với 2 nội dung.

Một là, giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay.

Hai là, quy định nếu công đoàn đứng ra khởi kiện thì không cần phải có ủy quyền của người lao động. Bởi, theo quy định của Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động./.

Ngọc Anh