Bà Phạm Thị Hồng My (ấp Giồng Ngánh, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) là một trong những người đã được hưởng lương hưu nhờ tham gia tiếp BHXH tự nguyện. Trước đây, bà My là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiệp Mỹ Tây, có thời gian tham gia BHXH bắt buộc 16 năm 11 tháng. Đến tháng 12/2020, bà My đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí, nhưng thời gian tham gia BHXH lại chưa đủ. Do được cán bộ BHXH huyện tư vấn, bà đã quyết định chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
|
|
Bà Phạm Thị Hồng My (áo tím) vận động bà con trong xã tham gia BHXH, BHYT. |
“Với thời gian còn thiếu là 3 năm 1 tháng, sau khi được tư vấn kỹ càng, tôi chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu với mức thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng là 5.450.000 đồng, hằng tháng đóng bằng 22% mức lựa chọn và được NSNN hỗ trợ 10% (tính trên mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn). Trừ số tiền được NSNN hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện, tôi đã đóng một lần với số tiền hơn 48 triệu đồng và được hưởng lương hưu ngay sau khi đóng đủ thời gian 20 năm theo quy định”- bà My chia sẻ.
Bà My phấn khởi cho biết thêm, hiện nay mỗi tháng bà nhận lương hưu với mức hưởng 3.317.300 đồng, đủ để bà trang trải cuộc sống gia đình. Bên cạnh nhận lương hưu hằng tháng, bà My còn được cấp thẻ BHYT với mức hưởng suốt đời lên đến 95%, trong khi trước đây khi còn công tác ở UBND xã chỉ được hưởng 80% theo mã đối tượng ghi trên thẻ.
"Được cấp thẻ BHYT, tôi không cần lo chi phí khi mỗi tháng phải đến BV thăm khám và nhận thuốc uống do bị huyết áp cao, bị đau nhức xương khớp tuổi già…”- bà My nói thêm. Hiểu được lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, nên hiện nay bà My đã đăng ký làm nhân viên thu BHXH, BHYT và là một trong những tuyên truyền viên rất tích cực giúp BHXH huyện Cầu Ngang đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống.
Trong một lần tham dự hội nghị tuyên truyền do BHXH huyện Cầu Ngang tổ chức, chị Rô Ky Dah (ấp Thủy Hòa, xã Thuận Hòa) nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện rất thiết thực và ý nghĩa với mọi người. Do đó, khi về nhà chị liền bàn bạc với gia đình và quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho người dì đang sống chung với vợ chồng chị là bà Thạch Thị Mương (SN 1954).
Theo đó, kể từ tháng 10/2018, chị Rô Ky Dah đều đặn hằng ngày dành ra 5.000 đồng tiết kiệm để tích lũy đóng BHXH tự nguyện. Khi đến hạn, chị lại ra Điểm Bưu điện-Văn hóa xã đóng tiền. Kể từ khi Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, chị Rô Ky Dah đã đổi phương thức đóng từ 3 tháng/lần sang đóng hằng tháng với số tiền 297.000 đồng/tháng (đã giảm trừ mức hỗ trợ của Nhà nước là 33.000 đồng/tháng). Để có số tiền này, mỗi ngày chị tích lũy dành ra 10.000 đồng.
Đều đặn tham gia, đến ngày 27/9/2023, dì Thạch Thị Mương bị bệnh và qua đời. Sau khi lo hậu sự cho người dì, chị Rô Ky Dah đến BHXH huyện Cầu Ngang làm thủ tục hưởng chế độ theo quy định. Theo hồ sơ, dì Thạch Thị Mương có thời gian tham gia BHXH tự nguyện là 60 tháng (5 năm); do đó chị Rô Ky Dah được hưởng tuất một lần và trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, với tổng số tiền trên 28 triệu đồng.
Những trường hợp cụ thể trên thêm khẳng định giá trị thiết thực, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia có thể được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện với mức hưởng cao hơn nhiều so với mức đóng và định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế phù hợp với NSNN. Bên cạnh đó, còn được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe với mức hưởng 95% chi phí KCB suốt đời. Còn nếu không may qua đời thì người thân được hưởng trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng.