Câu hỏi của bạn, Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội có ý kiến tư vấn như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội. 

Khoản 1 Điều 10 Bộ luật lao động năm 2019 quy định quyền làm việc của người lao động như sau: “Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm”.

Điều 19 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

“Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động”.

Như vậy, pháp luật lao động hiện hành không cấm người lao động làm cùng lúc cho nhiều công ty. Tuy nhiên, người lao động cần cân nhắc và đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động với từng công ty.

Khi ký kết và thực hiện cùng lúc 2 hợp đồng lao động với hai công ty khác nhau, người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Về hợp đồng lao động:

Dù ký kết bao nhiêu hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động nào cũng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019.

Các nội dung hợp đồng lao động bắt buộc phải có bao gồm:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Thời hạn của hợp đồng lao động;

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Chế độ nâng bậc, nâng lương;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

2. Về vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:

“Người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ”

Theo đó, khi bạn ký hợp đồng lao động với hai công ty thì bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ đóng theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên; bảo hiểm y tế sẽ phải đóng theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đóng theo từng hợp đồng lao động.

3. Về thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 được sửa đổi, bổ sung năm 2012, tiền lương, tiền công của bạn vẫn tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, nếu có người phụ thuộc, bạn chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và cho người phụ thuộc tại một nơi làm việc, những nơi còn lại không được tính giảm trừ.

4. Về vấn đề đảm bảo bí mật kinh doanh

Khi đã làm cùng lúc nhiều công ty, bạn cần đặc biệt lưu ý về vấn đề đảm bảo bí mật kinh doanh đã cam kết tại từng hợp đồng. Bởi vì đây là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi công ty, trường hợp bị lộ thông tin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tồn tại của công ty đó. Trong khi, người lao động đã làm việc cho hai công ty thường có vị trí công việc tương đối giống nhau. Do vậy, đối với hành vi vi phạm này, các công ty thường áp dụng hình thức xử lý kỷ luật rất nặng.

 

 

Song Anh