leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Theo đó, quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như sau:

- Từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022:

 Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ: các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đơn cử, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%

- Từ ngày 01/6/2022 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ: các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ 10/12/2021).

Cụ thể, theo quy định mới thì nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm. (Hiện hành, quy định là kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế).

So với hiện hành tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP, không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

Nghị định 89/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới.

Bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng viên chức hạng IV

Từ ngày 15/12/2021, Thông tư 92/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV như sau:

- Dưới 100 thí sinh là 700.000 đồng/thí sinh/lần.

- Từ 100 - 500 thí sinh là 600.000 đồng/thí sinh/lần.

- Từ 500 thí sinh trở lên là 500.000 đồng/thí sinh/lần.

Việc bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV là phù hợp. Vì trước đó tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp hạng V, dẫn đến trường hợp viên chức hạng V có nhu cầu thi thăng hạng lên hạng IV.

Mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức đối với các trường hợp còn lại được giữ nguyên so với hiện hành.

Nhiều chính sách mới về thuế, phí, lệ phí mới được ban hành cũng có hiệu lực từ tháng 12/2021 như:

Cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô chủ động lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng.

Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực từ 31/12/2021.

Điểm đáng chú ý của Nghị định 101/2021/NĐ-CP là cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng. Cụ thể như sau:

- Kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ 06 tháng cuối năm.

Đồng thời, doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP.

- Kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm.

(Nghị định 57/2020/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định về kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.)

Bổ sung một số mức phí trong lĩnh vực thủy sản

Ngày 02/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 94/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản có hiệu lực từ 17/12/2021. Cụ thể:

- Bổ sung thêm phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá) là 12,450 triệu đồng/lần.

- Kiểm tra phần thân vỏ tàu tính theo dung tích: 3.500 đồng/GT.

- Kiểm tra phần máy tàu (Tổng công suất máy chính + máy phụ ): 2.720 đồng/KW.

- Thiết bị hàng hải: 105.000 đồng/lần/hệ thống.

- Thiết bị vô tuyến điện: 131.000 đồng/lần/hệ thống.

- Phương tiện tín hiệu: 41.000 đồng/lần/hệ thống.

- Phương tiện cứu sinh: 105.000 đồng/lần/hệ thống.

- Trang thiết bị nghề cá: 140.000 đồng/lần/hệ thống;...

Ngoài ra, Thông tư 94/2021 cũng quy định về việc quản lý phí, lệ phí. Cụ thể, tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được giữ lại 90% số tiền phí thu được và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

P.V