Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 :

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

Do đó, lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Quy định này của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 kế thừa Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát.

Theo khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát như sau:

1.Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trong đó, thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố để đảm bảo cho mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội và không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái pháp luật.

Chính vì thế, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 tại điểm b khoản 3 Điều 3 đã quy định khi thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ: Quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là việc cơ quan có thẩm quyền cách ly một người ra khỏi đời sống xã hội trong một khoảng thời gian nhất định, là một biện pháp hạn chế quyền bất khả xâm phạm về thân thể (quyền cơ bản của công dân được ghi nhận  tại Điều 20 Hiến pháp 2013).

Vì vậy, lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

Quy định như trên nhằm bảo đảm tính công khai, hợp pháp và phòng ngừa kẻ xấu giả danh người có thẩm quyền xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân. Đồng thời, sự có mặt của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và những người khác còn có tác dụng hỗ trợ những người thi hành lệnh bắt hoàn thành nhiệm vụ.

 

Luật sư: Nguyễn Văn Lâm( Đoàn Luật sư Hà Nội)