Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc được hiểu là hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc.

Tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án,vụ việc" được quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự.

“Điều 375. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án,vụ việc

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;

c) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm;

b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;

c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khách thể

Tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

 Mặt khách quan

 Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án. Thí dụ, Điều tra viên đã lấy bớt 1.000 viên thuốc lắc mà Cơ quan điều tra đã thu giữ của anh A nhằm giảm nhẹ tội cho A.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các thủ đoạn như: thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án thì coi như tội phạm đã hoàn thành, bất kể kết quả giải quyết vụ án như thế nào đều không có ý nghĩa đến việc định tội đối với người phạm tội.

 Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Mặt chủ quan

 Người phạm tội đã làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thực hiện hành vi phạm tội của mình là do lỗi cố ý.

Hình phạt

 Phạm tội quy định tại Khoản 1 Điều 375 Bộ luật Hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm 05 năm.

Phạm tội có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 375 Bộ luật hình sự và có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Gây hậu quả nghiêm trọng có thể hiểu là gây thiệt hại khiến cho việc giải quyết vụ án không đúng, kết tội oan người vô tội hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đương sự trong vụ án kinh tế, dân sự.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 375 Bộ luật hình sự và có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

 

Luật sư: Nguyễn văn Lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội)