Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có ý kiến như sau:

Thời gian gần đây có rất nhiều vụ án oan được làm sáng tỏ. Bên cạnh đó cũng có nhiều vụ án bị Tòa án có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để đề nghị hủy án điều tra lại theo quy định pháp luật do có nhiều sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Liên quan đến vụ án Tạc Văn Ngọ kêu oan, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm Bản án hình sự phúc thẩm số 570/2012/HS-PT ngày 1/11/2012 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao; đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm TAND tối cao xét huỷ Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm 25/2012/HSST ngày 30/7/2012 của TAND tỉnh Thái Nguyên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Theo VKSND tối cao, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng trong điều tra, truy tố, xét xử, nhiều nhận định và đánh giá không đúng với sự thật khách quan, có dấu hiệu bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án những tài liệu quan trọng có giá trị chứng minh tội phạm. Ảnh minh họa 

Theo VKSND tối cao, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng trong điều tra, truy tố, xét xử, nhiều nhận định và đánh giá không đúng với sự thật khách quan, có dấu hiệu bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án những tài liệu quan trọng có giá trị chứng minh tội phạm, có dấu hiệu bức cung, nhục hình…, không tiến hành đối chất giữa các bị cáo trong khi lời khai còn nhiều mâu thuẫn, không cho nhận dạng, không lấy lời khai một số nhân chứng quan trọng, không giám định thời điểm chết của nạn nhân cùng nhiều thiếu sót khác trong quá trình điều tra… chưa đủ căn cứ để kết tội đối với hai bị cáo.

Có thể nói rằng, tố tụng hình sự là hoạt động có tính chất đặc biệt mà kết quả của hoạt động này có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mệnh chính trị, danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền tự do thân thể, thậm chí tính mạng của con người.

Quá trình hoạt động tố tụng, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan vẫn còn những oan sai. Một án oan không chỉ khiến cho người mang án phải chịu thiệt hại mà thậm chí cả gia đình, dòng họ, người thân của họ cũng bị liên lụy.

Việc giải quyết oan sai sẽ kéo dài nếu không phân định được trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trách nhiệm của cơ quan tố tụng với trách nhiệm cá nhân công chức thừa hành công vụ gây ra oan sai.

Về nguyên tắc, nếu người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự có những hành vi vi phạm thủ tục tố tụng, cố tình làm sai lệch kết quả vụ án, gây oan sai cho người vô tội thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Những tội danh có thể áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự những người gây oan sai được quy định trong chương XXIV Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp như: Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, theo Điều 368; Tội ra bản án trái pháp luật, theo Điều 370; Tội ra quyết định trái pháp luật, theo Điều 371; Tội dùng nhục hình, theo Điều 373; Tội bức cung, theo Điều 374; Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, theo Điều 375,.. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có phải trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự pháp luật quy định.

Ngoài ra, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 còn buộc người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có nghĩa vụ “Hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại” (Điểm c Khoản 2 Điều 14).

leftcenterrightdel
 Th.s, Luật sư Đặng Văn Cường.

Điều 71 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 cũng quy định về trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc.

Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án Tạc Văn Ngọ kêu oan nêu trên, nếu Tòa án có thẩm quyền kết luận phạm nhân Tạc Văn Ngọ bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường Nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội.

Đồng thời, phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Tạc Văn Ngọ theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, phải đợi Hội đồng giám đốc thẩm TAND tối cao có quyết định hủy án để điều tra lại hay không, và kết quả điều tra xác định có những hành vi vi phạm thủ tục tố tụng cụ thể của những cá nhân, tổ chức nào thì từ đó mới có hướng xử lý phù hợp tùy tính chất, mức độ vi phạm.

 

PV