Trao đổi với Báo Bảo vệ pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung - thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có ý kiến:

Điểm c Khoản 1 Điều 52 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định về các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch như sau:

“Điều 52. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch

1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

....

c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.”

leftcenterrightdel
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – thuộc Công ty Luật THNH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội 
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP thì điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng là:

- Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

- Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

Hiện nay, bệnh COVID-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020. COVID-19 cũng đã được Bộ Y tế xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao. Do đó việc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản về việc hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch là có cơ sở pháp lý.

Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì việc không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, nếu có trường hợp nào không tuân thủ quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

1. Về xử lý vi phạm hành chính:

Theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì:

“4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

……

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.”

Như vậy, hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng có thể bị phạt tiền với mức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

2. Về trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại Mục 1.3 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ,…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo hành vi và mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

 

Hương My