Về vấn đề này Luật sư Lê Văn Cảnh – thuộc Công ty Luật THNH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Lê Văn Cảnh – thuộc Công ty Luật THNH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội .
Cưỡng chế thu hồi đất là biện pháp cuối cùng được các cơ quan có thẩm quyền áp dụng nhằm buộc người dân có đất bị thu hồi thực hiện quyết định thu hồi. Phương pháp này được thực hiện khi các cơ quan Nhà nước đã thuyết phục, thỏa thuận với người có đất bị thu hồi nhưng không đạt được kết quả.

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất là vấn đề hết sức nhạy cảm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người đang sử dụng đất, có tài sản trên đất. Để đảm bảo thu hồi đất hiệu quả cũng như đảm bảo quyền lợi những người đang sử dụng đất, nhà nước quy định nghiêm ngặt về cách thức và trình tự thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.

Cụ thể Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện việc thu hồi đất như sau:

Về nguyên tắc cưỡng chế việc thu hồi đất:

- Phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;

- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

Về điều kiện cưỡng chế việc thu hồi đất:

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

- Quyết định cưỡng chế  thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;

- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

Về trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất:

- Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;

- Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

- Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Việc cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất trái với các quy định trên được xác định là cưỡng chế thu hồi đất trái với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người có đất bị thu hồi khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo về các sai phạm trong việc cưỡng chế thu hồi đất, việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; Luật khiếu nại; Luật tố cáo; Luật tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn các luật này.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người có đất bị thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Việc giải quyết khiếu nại được quy định như sau:

- Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).

Theo quy định tại Điều 17 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, có 14 trường hợp Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, trong đó có trường hợp gây thiệt hại do “…thu hồi đất…”.

Như vậy, trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).

Tùy vào việc cưỡng chế thu hồi đất trái luật được thực hiện bởi người thi hành công vụ của cơ quan nào mà thẩm quyền bồi thường được quy định tại Điều 33 Luật bồi thường trách nhiệm của Nhà nước năm 2017 như sau:

“Điều 33. Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

1. Cơ quan giải quyết bồi thường ở trung ương bao gồm:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Tổng cục, cục, các đơn vị khác có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng thuộc Bộ, cơ quan ngang B hoặc thuộc cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.

2. Cơ quan giải quyết bồi thường ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Cơ quan chuyên môn hoặc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.

……”

Tóm lại, nếu việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện trái với các quy định của pháp luật, người có đất bị thu hồi, chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo các hành vi vi phạm trong quá trình cưỡng chế thu hồi đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Cơ quan có người thi hành công vụ gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người thi hành công vụ làm trái với các quy định về cưỡng chế thu hồi đất tùy mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên cơ sở kết luận thanh tra, tố cáo hoặc theo bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền. Hơn nữa, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất trái quy định pháp luật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự như sau:

“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

 

Nguyễn Lê