Trong thời gian vừa qua liên tiếp đã xảy ra các vụ việc bạo hành trẻ em khiến nhiều người vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Đó là vụ việc bé trai 3 tuổi ở Hà Nam bị nhốt trong tủ đông; vụ bé 1 tuổi bị vợ chồng bảo mẫu hành hạ ở quận Đống Đa hay người cha ở Hà Tĩnh dùng dây thừng buộc treo con lên xà nhà để hành hạ…

leftcenterrightdel
 Hiện tại cháu bé 3 tuổi ở Hà Nam đã được ra viện, các bác sĩ lưu ý cần phải theo dõi thêm về vấn đề tâm lý của bé.

Trước tình hình trên, Bộ LĐTBXH vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tại công điện, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực triển khai công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, đã quá nhiều cảnh tỉnh, báo động về tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý khi trẻ bị xâm hại, gia đình có tâm lý chung là “ngại” tố cáo tội phạm, cho qua hoặc giấu kín vì sợ tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự của trẻ và gia đình,….

Trước vẫn đề “ngại” tố giác tội phạm xâm hại trẻ em, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có trao đổi với Luật sư Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).

Xâm hại trẻ em là gì?

Luật trẻ em năm 2016 quy định về “xâm hại trẻ em” là “hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”.

Trách nhiệm của các Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tới việc cung cấp, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em?

Khoản 1, Điều 51 Luật trẻ em năm 2016 quy đinh: “Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền”

Không tố giác tội phạm xâm hại trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Điều 19, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”.

Hình phạt của hành vi “không tố giác tội phạm”?

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Cũng theo Luật sư Lê Trọng Hiền, cần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về quyền trẻ em và những hậu quả nghiêm trọng đối với những hành vi khiến trẻ em bị tổn thương, tăng cường cơ chế giám sát, hỗ trợ trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình,…

Phan Hải (thực hiện)