|
|
Gây tai nạn bỏ trốn tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý theo pháp luật |
Tại nạn giao thông là điều không ai mong muốn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều người gây tai nạn chọn cách bỏ trốn, thay vì dừng lại để cứu giúp người bị nạn. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ va chạm, cách xử lý khi gây tai nạn giao thông vi phạm pháp luật, lợi dụng hiện trường lộn xộn, người gặp nạn mất khả năng kiểm soát hoặc tuyến đường vắng người qua lại, người gây tai nạn đã bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm. Vậy, người có hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn cho người khác rồi bỏ trốn sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:
Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Hành vi bỏ trốn là tình tiết tăng nặng khung hình phạt đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) BLHS. Tùy từng trường hợp mà hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn cho người khác phải chịu trách nhiệm pháp luật khác nhau. Nếu hành vi gây tai nạn cho người khác mà thuộc trường hợp gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người thì khởi tố theo khoản 1 với khung hình phạt cao nhất lên đến từ 1-5 năm tù. Và trong trường hợp có đủ hai yếu tố trên thêm bỏ trốn thì phải chịu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 với tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 260 BLHS, với mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù. Việc đến đầu thú là một trong những tình tiết giảm nhẹ chứ không được hưởng miễn trách nhiệm hình sự.
“Điều 38. Luật Giao thông đường bộ năm 2008
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo vệ hiện trường;
b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;
đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này....”
Như vậy, trường hợp người gây ra tai nạn giao thông rời khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự hiện hành”.
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
...2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;”
Người gây tai nạn giao thông phải ở lại nơi xảy ra tai nạn đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ 3 trường hợp người gây tai nạn được quyền rời khỏi hiện trường mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý, cụ thể:
Người điều khiển phương tiện bị thương phải đưa đi cấp cứu;
Tài xế phải đưa người bị nạn đi cấp cứu;
Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng.
Pháp luật cho phép người gây ra giao thông được tránh khỏi hiện trường để đảm bảo tính mạng khi có hành vi đe dọa đến tính mạng của bạn (như là người nhà nạn nhân, người xung quanh vây đánh…). Nhưng việc rời khỏi chỉ là tạm thời mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý nhưng sau đó phải đến trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất.
Do đó, trong trường hợp của bạn là do lo sợ bị người khác dọa đánh và xử lý mình nên bạn mới bỏ xe và trốn khỏi hiện trường. Nhưng sau đó, bạn cũng đã tới trình báo tại trụ sở Công an nơi gần nhất. Vì thế, hành vi của bạn không bị coi là hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm (quy định tại khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
Trong trường hợp hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn cho người khác nhưng chưa tới mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP về các mức xử phạt người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông như sau:
Điều 6: Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, phạt tiền từ 100.000 đồng đến tối đa 14.000.000 đồng; có thể có hình phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến tối đa 24 tháng.”
Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.
Như vậy, tùy vào hậu quả mà hành vi điều khiển xe gây ra rồi bỏ trốn thì bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự như trên đã phân tích.