Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, đêm rạng sáng 13/9, quân đội Azerbaijan đã dùng pháo hạng nặng và máy bay không người lái (UAV) bắn sang lãnh thổ nước này. Một UAV Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được nói đã bị bắn hạ ở Vardenis, phía bắc Armenia, nơi không tiếp giáp với khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Các vụ nổ đã được cư dân các thành phố Vardenis, Jermuk, Goris và Tatev của Armenia báo cáo.

Theo truyền thông địa phương, những tiếng súng vang lên dọc theo toàn bộ biên giới Armenia-Azerbaijan.

Armenia đã đổ lỗi cho nước láng giềng Azerbaijan về vụ tấn công. 

Bộ Quốc phòng Armenia thông báo lực lượng của họ có thương vong và Yerevan sẽ có “phản ứng tương xứng”... Bộ lưu ý, lúc 4h sáng cùng ngày, tình hình dọc biên giới hai nước vẫn đang cực kỳ căng thẳng.

leftcenterrightdel
 Công sự ở biên giới Armenia – Azerbaijan. Ảnh: AFP / Karen Minasyan.

Trong khi Azerbaijan cáo buộc Armenia tiến hành các cuộc khiêu khích diện rộng, nổ súng vào các vị trí đóng quân của Azerbaijan ở biên giới và Baku đã đáp trả bằng hỏa lực mạnh vào các vị trí của Armenia.

“Vào đêm ngày 12/9, các đơn vị vũ trang Armenia đã thực hiện một cuộc khiêu khích quy mô lớn theo các hướng Dashkesan, Kalbajar và Lachin ở vùng biên giới quốc gia Azerbaijan-Armenia... Đã xảy ra đụng độ quân sự. Một số vị trí, công sự và cứ điểm của quân đội Azerbaijan ở các vùng Dashkesan, Kelbajar và Lachin đã bị các đơn vị vũ trang Armenia pháo kích dữ dội theo hướng các khu dân cư Basarkecher (Vardenis), Istisu (Jermuk), Garakilse (Sisian) và Gorus (Goris) từ các loại vũ khí cỡ nòng khác nhau, bao gồm cả súng cối. Hậu quả có tổn thất sinh lực, cơ sở hạ tầng quân sự bị hư hại.”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết.

Tính chung trong tháng qua, các cuộc pháo kích vào các vị trí của quân đội Azerbaijan ở những khu vực này bằng các loại vũ khí có cỡ nòng khác nhau là “rất lớn và có hệ thống”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói, lưu ý, quân đội của họ không nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự.

leftcenterrightdel
 Binh lính Armenia ở biên giới với Azerbaijan. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Armenia.

Trước diễn biến mới, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh vào sớm ngày 13/9 để đưa ra các biện pháp đối phó. 

"Trong cuộc họp nội các đã thảo luận các bước đi tiếp theo để đối phó với hành động gây hấn bắt đầu vào lúc nửa đêm của Azerbaijan chống lại vùng lãnh thổ có chủ quyền của Armenia. Do đó, Armenia đã quyết định chính thức kiến nghị với Liên bang Nga để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau, cũng như kiến nghị lên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Hội đồng Bảo an LHQ.”, thông báo của Bộ Quốc phòng Armenia nêu rõ.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về tình hình.

Nga và Armenia cùng là thành viên của CSTO, một liên minh quân sự tương tự như khối NATO, bao gồm 6 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cùng với Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. 

Moscow và Yerevan cũng có một Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ riêng.

Các cuộc đụng độ sáng 13/9 là sự leo thang căng thẳng mới nhất giữa hai quốc gia vùng Kavkaz. 

Armenia và Azerbaijan đã phát sinh xung đột kể từ khi hai nước tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô, chủ yếu vì Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ tranh chấp vốn thuộc Azerbaijan nhưng có phần lớn cư dân Armenia sinh sống. 

leftcenterrightdel
 Các nhà lãnh đạo thành viên CSTO họp tại Điện Kremlin, Moscow, Nga, ngày 16/5. Ảnh:  Alexander Nemenov / Pool / AP.

Người Armenia chiếm ưu thế ở lãnh thổ Nagorno-Karabakh đã đòi độc lập khỏi Baku vào những năm 1990 với việc tuyên bố thành lập Cộng hòa Nagorno-Karabakh (tự xưng). Trên thực tế, khu vực này duy trì tình trạng tự trị và nhận được sự hậu thuẫn từ Armenia kể từ đó.

Cuối tháng 9/2020, Baku đã phát động một chiến dịch giành lại lãnh thổ, với sự trợ giúp của UAV do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Các cuộc giao tranh ác liệt kéo dài 44, gây đổ máu cho cả binh sĩ và dân thường hai bên, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng.

Đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10/10/2020, dưới sự trung gian của Nga, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý chấm dứt chiến tranh, ngừng bắn hoàn toàn, trao đổi tù nhân và thi thể của những người thiệt mạng.

Theo thỏa thuận, Yerevan đã bàn giao cho Baku các vùng Kelbajar và Lachin, cũng như một phần của vùng Aghdam, những vùng trong thời kỳ chiến sự nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng.

Ngoài ra, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã đóng quân trong khu vực trong vai trò giám sát ngừng bắn.

Hôm 3/8, căng thẳng ở Nagorno-Karabakh tái bùng phát trở lại sau khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Azerbaijan và dân quân Karabakh do Armenia hậu thuẫn. Cả hai bên đều báo cáo thương vong và cáo buộc bên kia khiêu khích, vi phạm lệnh ngừng bắn.

Văn Phong (Theo Sputnik, RT)